Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song song với chống dịch Covid-19, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xoay chuyển tình thế, sẵn sàng chủ trì tổ chức suôn sẻ hàng loạt hội nghị quan trọng theo hình thức trực tuyến và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức các hội nghị kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Vượt qua khó khăn năm 2020
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 11/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất. Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đề ra cho năm 2020, ngày càng trở nên đoàn kết, gắn kết, với khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.
Ngay từ đầu năm 2020, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song song với chống dịch Covid-19, Tổng cục đã xoay chuyển tình thế, sẵn sàng chủ trì tổ chức suôn sẻ hàng loạt hội nghị quan trọng theo hình thức trực tuyến và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức các hội nghị kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp, điển hình là các hội nghị trong đó Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) có vai trò Chủ tịch trực tiếp điều hành các phiên họp như Hội nghị Ban chấp hành GBM lần thứ 62 của APO, Hội nghị Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia lần thứ 61, Hội nghị quốc tế về phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, Hội nghị ACCSQ lần thứ 53 và 54, Hội nghị lần thứ 44 của ACCSQ/WG1 và Hội nghị lần thứ 38 của ACCSQ/WG2, Hội nghị thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất.
Hội nghị thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) trong lĩnh vực năng suất.
Do Tổng cục TCĐLCL đại diện Việt Nam tại 14 Tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nên ngoài các hội nghị, hội thảo quốc tế do Tổng cục tổ chức, các cán bộ của Tổng cục tham gia hơn 30 cuộc họp trực tuyến các cấp và theo các thời gian khác nhau do chênh lệch múi giờ. Các trang thiết bị trực tuyến được Tổng cục đầu tư, trang bị kịp thời, đảm bảo cho các phòng họp trực tuyến hoạt động đồng thời và hiệu quả.
Thành công trong vai trò Chủ tịch các tổ chức APO, ACCSQ và nhóm công tác của ACCSQ
Việt Nam đã chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021 từ Hội nghị Ban Chấp hành (GBM) vào 8/6/2020. Đây là lần thứ hai sau 24 năm gia nhập, Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này (lần đầu tiên vào năm 1999). Việc đảm nhận vai trò này diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng vì trong năm nay APO sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược mới và thực hiện nhiều cải cách quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, chính sách để phù hợp với tình hình mới và đặc biệt là để khắc phục các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Để chuẩn bị thực hiện cho vai trò điều hành, dẫn dắt một tổ chức lớn trong khu vực trong một nhiệm kỳ, Tổng cục đã chuẩn bị cho hoạt động này thông qua rất nhiều cuộc trao đổi, điện đàm với Tổng thư ký APO, với Ban Thư ký APO và các thành viên chủ chốt của APO. Do sự tích cực, chủ động, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế thành viên được lựa chọn tham gia sâu vào các nghiên cứu mang tính chiến lược của APO như việc tham gia Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO, chương trình xây dựng quy trình chuẩn trong công nhận và chứng nhận trong lĩnh vực năng suất của APO, nghiên cứu đánh giá thực trạng và nhu cầu về sản xuất thông minh cho các nền kinh tế thành viên, nghiên cứu xây dựng sách dữ liệu về năng suất, nghiên cứu về chuyển đổi nông nghiệp thông minh, v.v
Với sự điều hành của Việt Nam, trong năm 2020, các cuộc họp và đào tạo đã nhanh chóng chuyển thành trực tuyến và đều được triển khai thành công, có hơn phiên họp trực tuyến chính thức của APO, 55 khóa đào tạo của APO đã được thực hiện. APO cũng sáng tạo trong cách xây dựng với 77 tọa đàm về các chủ đề khác nhau liên quan đến chuyển đổi số, sản xuất thông minh, đảm bảo tính liên tục của kinh doanh trong thời kỳ Covid, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid, … APO cũng xây dựng các gói hỗ trợ thiết thực cho các thành viên vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đối với các hoạt động hội nhập trong khuôn khổ ASEAN, đồng thời năm Việt Nam là Chủ tịch của ASEAN, Tổng cục cũng tiếp nhận vai trò Chủ tịch ACCSQ, Chủ tịch WG1 và Chủ tịch WG2 nhiệm kỳ 2020-2021. Do các vấn đề thảo luận tại ACCSQ và các nhóm công tác có liên quan chặt chẽ với các Bộ chuyên ngành nên để điều hành tốt tại ACCSQ và các nhóm công tác này, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương để thống nhất các nội dung liên quan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh đảm nhận vai trò Chủ tịch ACCSQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Năm 2020 là cột mốc mang tính bản lề, trong đó ACCSQ đề ra mục tiêu đạt được các thoả thuận quan trọng như: thống nhất dự thảo Hiệp định khung ASEAN về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (AFA MRA) để thay thế cho AFA MRA 1998; ký kết MRA về phê duyệt kiểu loại xe cơ giới (APMRA); thống nhất dự thảo MRA về vật liệu xây dựng và các nước đang làm thủ tục cho phép ký kết; thống nhất dự thảo Hiệp định ASEAN về khung pháp lý đối với y học cổ truyền và Hiệp định ASEAN về khung pháp lý đối với thực phẩm chức năng. Các kết quả này không chỉ củng cố nền tảng pháp lý để các nước thúc đẩy hội nhập khu vực đối với lĩnh vực sản phẩm ưu tiên mà trong bối cảnh rộng lớn hơn, còn đóng góp cho việc triển khai kế hoạch phục hồi toàn diện sau Covid của ASEAN.
Với sự điều hành kiên quyết và khéo léo, có sự phối hợp nhịp nhàng với các Bộ chuyên ngành, các nội dung quan trọng nêu trên đã được thông qua.
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, sáng kiến “Xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN” do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 diễn ra ngày 10/3/2020 tại Đà Nẵng. Tổng cục với vai trò là Chủ tịch ACCSQ đã khẩn trương và thúc đẩy việc thực hiện sáng kiến này qua rất nhiều phiên họp trực tuyến của các nước chuyên gia, thông qua hợp tác với APO và đã xây dựng được báo cáo về “Xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN”. Trong 2 ngày, 10-11/12/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất” tại Hà Nội, lần đầu tiên Việt Nam với vai trò là Chủ tịch của ACCSQ đã trình bày về các nội dung chính của Lộ trình và giải pháp nhằm tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN để lấy ý kiến thêm từ các chuyên gia hàng đầu về sản xuất thông minh tại các thành viên APO và ASEAN. Bản báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thiện trước khi kết thúc năm 2020 và trình các cấp thông qua trong thời gian tới, theo đó mở đường cho các chiến lược về nâng cấp nền tảng số, công tác tiêu chuẩn hóa về lĩnh vực sản xuất thông minh cũng như chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt của các doanh nghiệp triển khai sản xuất thông minh trong khu vực ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung.
Hợp tác song phương nở rộ
Về hợp tác song phương, mặc dù hợp tác song phương gặp trở ngại khi các kế hoạch tổ chức các đoàn vào bị hoãn lại. Tuy vậy, trong năm qua, hợp tác song phương với các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia như Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI), các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn nước ngoài như Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Hoa Kỳ (ASTM), Hiệp hội các phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (UL) không những duy trì mà còn là cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn nước ngoài, góp phần tạo thuận lợi thương mại, tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy sử dụng tiêu chuẩn có bản quyền tại Việt Nam.
Tổng cục TCĐLCL và UL đã triển khai 3 hội thảo trực tuyến về số liệu an toàn và quy định chất lượng thiết bị điện gia dụng liên quan đến hoạt động thu thập số liệu mất an toàn đối với sản phẩm điện điện tử, đối với pin lithium, pin dẹt hình khuy áo…, trình bày về các phương pháp thu thập số liệu hệ về mất an toàn đối với máy giặt, lò vi sóng; hội thảo về tiêu chuẩn quang điện mặt trời và hội thảo về tiêu chuẩn xe điện (e-Mobility), qua đó đề xuất chuyên gia của Việt Nam tham gia vào các Ban Kỹ thuật của Hoa Kỳ đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Tổng cụcTCĐLCL và Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã ký kết thỏa thuận riêng về hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn Anh trong lĩnh vực môi trường, thực phẩm, dệt may và dịch vụ giao thông vận tải … Việc hài hòa tiêu chuẩn khi được hoàn thiện và việc tuân thủ các tiêu chuẩn đã hài hòa sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường uy tín của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trong giao dịch với Vương quốc Anh nói riêng và Châu Âu nói chung, góp phần vào thúc đẩy thương mại song phương.
Đảm bảo thực thi các Hiệp định FTA
Đến nay, Tổng cục TCĐLCL đã tham gia đàm phán và thực thi điều khoản TBT của 13 FTA đa phương và song phương. Nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và gần đây là Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia ký kết từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến nhân dịp Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ tư vào sáng 15/11/2020. Quá trình triển khai các nội dung liên quan đến TBT của các Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP sẽ liên quan chặt chẽ đến các Bộ chuyên ngành cùng giám sát việc tuân thủ các cam kết trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tính đến sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp để bảo hộ hàng hóa trong nước.
Phiên họp lần thứ tư của Tiểu ban Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thuộc Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Ngày 06/8/2020, Tổng cục đã đồng chủ trì với Cơ quan Tiêu chuẩn và Công nghệ Hàn Quốc (KATS) phiên họp lần thứ tư của Tiểu ban Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thuộc Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến các phiên họp song phương này để phối hợp với Tổng cục nêu quan điểm, quan ngại và tìm cách tháo gỡ thông qua cơ quan đầu mối về TBT của phía bạn.
Công tác tuyên truyền đối ngoại được phát huy kịp thời
Trong một số cuộc họp đa phương và song phương quan trọng, Tổng cục giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam đặc biệt một số thành tựu về khoa học và công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19, chính sách hỗ trợ cung cấp miễn phí các TCVN và giới thiệu truy cập miễn phí các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn khu vực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Tổng cục đã thông tin cho Cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và do đó, hoạt động hỗ trợ nêu trên của Việt Nam đã được Tổ chức này ghi nhận và đăng tải trên trang web của Tổ chức, hòa cùng nỗ lực của các cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia khác trên thế giới, chung tay, góp sức trong cuộc chiến chống Covid-19.
Nhờ đó, nỗ lực của Việt Nam trong các Tổ chức quốc tế và khu vực đều được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hướng tới một thập niên mới
Năm 2020 là một năm bản lề rà soát lại các kế hoạch 5 năm, 10 năm và xác định kế hoạch trong 5 năm tiếp theo và hướng tới kế hoạch đến năm 2030.
ISO đã xây dựng Chiến lược ISO năm 2030 trong đó hướng đến xây dựng các tiêu chuẩn có chất lượng cao thông qua có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan và đối tác, trên nền tảng vững chắc là con người và tổ chức, sử dụng công nghệ và tập trung vào trao đổi thông tin với mục tiêu cuối cùng là sử dụng tiêu chuẩn khắp nơi.
Chiến lược tổng thể của ASEAN đến năm 2025 nhấn mạnh các nước hướng tới xây dựng một ASEAN có nền kinh tế hội nhập cao, năng động, có khả năng cạnh tranh và đổi mới, có tính kết nối và hợp tác.
Cùng với chiến lược tổng thể ASEAN 2025 là Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 nhằm thúc đẩy và xây dựng kết nối trong nội khối ASEAN, cũng như kết nối giữa ASEAN với các đối tác, với khu vực và thế giới. Kết nối ASEAN hiện đã trở thành vấn đề thiết yếu trong kế hoạch phục hồi của khu vực trong đại dịch COVID-19, cũng như giúp tăng cường năng lực ứng phó của các nước ASEAN đối với các đại dịch trong tương lai.
Nhằm thực thi hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến 2025 (AEC Blueprint to 2025) và Kế hoạch chi tiết về AEC (AEC Scorecard), tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực, ACCSQ đã hoàn tất bản Kế hoạch Chiến lược mười năm tới cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL). “Kế hoạch Chiến lược của ASEAN về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp giai đoạn 2016-2025” được các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM) thông qua tại Hội nghị lần thứ 48 diễn ra vào đầu tháng 7 năm 2017 tại Cebu, Philippines và và được Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) phê duyệt.
Kế hoạch gồm sáu định hướng chiến lược: Tăng cường cơ sở hạ tầng TCĐLCL; xoá bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại liên quan đến TCĐLCL; thúc đẩy cách tiếp cận chung của ASEAN trong các tổ chức quốc tế và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân trong hoạt động TCĐLCL; cải tổ ACCSQ để hoạt động hiệu quả hơn; tăng cường năng lực và phát triển nguồn nhân lực TCĐLCL của các nước ASEAN.
Sáu định hướng trên là kim chỉ nam để ACCSQ điều chỉnh chính sách, thúc đẩy rà soát các thỏa thuận đã có và xây dựng các thỏa thuận và cơ chế giúp loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Nắm vững định hướng của các tổ chức quốc tế và khu vực giúp chúng ta hoạch định các định hướng và chính sách phù hợp và hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hội nhập sâu của Việt Nam. Một số định hướng nổi bật đến năm 2030 trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã được nêu trong các đề án, chương trình, kế hoạch do Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
https://tcvn.gov.vn/