Năm 2020, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế của đất nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như “thể lực” của doanh nghiệp Việt Nam. PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL để cùng nhìn lại những hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực này.
Năm 2020, Việt Nam đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Tổng cục TCĐLCL đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị kỹ thuật, các Viện nghiên cứu, tổ chức thử nghiệm, chứng nhận tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận hạ tầng kỹ thuật về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phục vụ cho hoạt động chống dịch COVID như: hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, Vingroup về sản xuất máy thở, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ hoạt động sản xuất, cung cấp khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn và các trang thiết bị y tế liên quan.
Được sự đồng ý của Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL đã tập hợp và cung cấp miễn phí tất cả các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch; Chủ động làm việc với các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa của các nước Châu Âu, các nước phát triển để tập hợp cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…); lĩnh vực về quản lý rủi ro; hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế. Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế mới nhất thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục TCĐLCL. Toàn văn tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế này có thể download tại www.tcvn.gov.vn.
Bên cạnh đó, Tổng cục TCĐLCL đã chỉ đạo Viện Đo lường Việt Nam, các Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tập trung, ưu tiên cơ sở vật chất, nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang y tế,… thông qua các hoạt động đo lường, thử nghiệm.
Với kết quả như trên, Tổng cục đã giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận trực tiếp yêu cầu của quốc gia và quy định mới nhất của quốc tế để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an toàn của người dân và cộng đồng xã hội cũng như tận dụng các cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh.
Trong rất nhiều hoạt động mà ông vừa chia sẻ, có hoạt động cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là điểm nhấn đáng chú ý. Vậy, hoạt động này đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục TCĐLCL đã kịp thời cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia mới nhất, bao gồm 18 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…); lĩnh vực về quản lý rủi ro; hệ thống quản lý chất lượng nói chung, đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế… và cung cấp đường link các tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC), tiêu chuẩn khu vực (CEN, CENELEC), tiêu chuẩn nước ngoài (Anh – BS, Úc – AS, Singapo – ESG…), tiêu chuẩn của một số hiệp hội (Hội vì sự tiến bộ thiết bị y tế – AAMI, Viện Kỹ thuật điện và Điện tử – IEEC, Hội Thử nghiệm và Vật liệu Mỹ – ASTM,…) để các cơ quan, doanh nghiệp có thể cập nhật, tham khảo.
Việc cung cấp tiêu chuẩn quốc gia miễn phí đã có ý nghĩa rất thiết thực đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với các tiêu chuẩn quốc gia và quy định mới nhất của quốc tế để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc chủ động, kịp thời cung cấp các tiêu chuẩn miễn phí còn giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phòng chống dịch hiểu rõ hơn về các quy định để sản phẩm đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, tuân thủ và sản xuất các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Thưa ông, ngoài hoạt động cung cấp tiêu chuẩn miễn phí, được biết, Tổng cục cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tư vấn để doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, “thể lực” của doanh nghiệp Việt Nam vượt qua Covid-19. Hiệu quả mang lại ra sao, thưa ông?
Tổng cục đã phối hợp với Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực trang phục phòng dịch để kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế phù hợp, đồng thời nắm được phương thức đánh giá sự phù hợp. Cũng thông qua sự phối hợp này để có các biện pháp quản lý thích hợp đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và tổ chức chứng nhận, thử nghiệm. Hai hội thảo được phối hợp tổ chức ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2020 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp hỗ trợ Tập đoàn Vingroup trong việc đào tạo, hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 13485 và đánh giá chứng nhận giúp máy thở của Vingroup đáp ứng các yêu cầu bắt buộc để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng yêu cầu chống dịch trong nước và xuất khẩu.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, theo ông trong năm 2021 Tổng cục sẽ đề ra những định hướng, kế hoạch như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu?
Trong năm 2021, Tổng cục TCĐLCL sẽ thực hiện Quyết định số 2446/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 về kế hoạch triển khai cam kết rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) trong Hiệp định EVFTA, trong đó có các hoạt động liên quan tới tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về cam kết, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp với EU, cảnh báo biện pháp TBT của thị trường EU, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang EU trong thời gian tới. Triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tiếp đó, triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngoài ra, Tổng cục sẽ triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 2260/QĐ-BKHCN ngày 20/8/2020 và Quyết định số 2598/ QĐ-BKHCN ngày 18/9/2020 về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ áp dụng cho các thủ tục hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Trân trọng cảm ơn ông!
https://tcvn.gov.vn/