Để công việc nhà nông đỡ vất vả, giảm chi phí sản xuất lúa, anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng, Thái Bình) đã cùng các cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công giàn máy gieo mạ khay phục vụ cấy máy.
Để công việc nhà nông đỡ vất vả, giảm chi phí sản xuất lúa, anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã cùng các cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công giàn máy gieo mạ khay phục vụ cấy máy. Đặc biệt, máy do anh Tuân chế tạo giá chỉ bằng 1/3 so với máy do các hãng lớn sản xuất nhưng công suất, chất lượng vẫn tương đương.
Giàn máy gieo mạ khay do anh Tuân và các cộng sự miệt mài nghiên cứu, chế tạo có 2 buồng chứa đất, 1 buồng chứa thóc giống, ở giữa có giàn tưới nước. Chỉ cần đổ đất, thóc giống vào các buồng chứa là có ngay 1 khay mạ chuẩn, đều, đẹp như ý. Anh Tuân còn chế tạo ra băng chuyền dài để các khay mạ tự chạy tới nơi ủ. Sau 3 ngày ủ mộng, khay mạ được xếp ra ruộng để dễ chăm sóc, phát triển.
Anh Đặng Tất Tuân (người bên trái) ở xã Phú Châu (Đông Hưng, Thái Bình) điều khiển máy gieo mạ khay.
Anh Trần Minh Tế, xã Phú Châu cho biết: Tôi làm thợ cơ khí đã nhiều năm, khi nghe anh Tuân ngỏ ý muốn cùng nghiên cứu máy gieo mạ khay thay cách gieo tay truyền thống mất nhiều thời gian, tôi đồng ý ngay. Mấy anh em “dò dẫm” ngày này sang ngày khác, làm, hỏng rồi làm lại, cuối cùng cũng chế tạo ra sản phẩm như ý. Lúc đó, anh em mừng khôn tả vì chiếc máy góp phần giảm sức lao động cho nông dân, nhất là các hộ tích tụ ruộng cấy nhiều. Giờ mỗi năm chúng tôi sản xuất 70 - 80 chiếc máy gieo mạ khay theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh.
Là người tích tụ ruộng nhiều nhất nhì huyện (32 mẫu), anh Tuân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua các loại máy móc phục vụ cấy lúa, song gieo mạ khay thì vẫn bằng tay mất nhiều thời gian, vất vả, chi phí cao.
Lúc đó, trên thị trường cũng đã có máy gieo mạ khay song giá lại quá cao; thấy máy đó không quá cầu kỳ, anh Tuân đã cùng các cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy gieo mạ khay. Mỗi vụ anh gieo mạ khay để cấy máy cho 100% diện tích của gia đình, ngoài ra anh còn làm mạ khay cấy hàng chục mẫu ruộng cho bà con trong và ngoài xã.
Khách hàng tham quan sản phẩm máy gieo mạ khay tại cơ sở sản xuất của anh Đặng Tất Tuân ở xã Phú Châu (Đông Hưng, Thái Bình).
Anh Tuân chia sẻ: Dự định ban đầu chỉ chế tạo máy gieo mạ khay phục vụ việc sản xuất lúa của gia đình nhưng sau đó nhiều người bạn tích tụ ruộng trong xã, trong huyện, trong tỉnh thấy tiện ích đã đặt tôi làm cho họ. Khách hàng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung xem trên youtube, facebook của tôi, tin tưởng đặt mua. Tôi làm video hướng dẫn tỉ mỉ gửi cho từng khách hàng, hầu hết họ xem là làm được, tôi không phải đến tận nơi hướng dẫn. Thời gian đầu, tôi làm máy 2 buồng, vẫn phải phủ mộng bằng tay. Sau đó nâng cấp lên 3 buồng, tất cả quy trình đều được tự động hóa. Trước gieo thủ công thì 5 - 6 người chỉ gieo được 300 - 400 khay mạ/ngày. Giờ có máy chỉ cần 1 giờ bằng 5 - 6 người/ngày, độ chuẩn xác cao hơn so với gieo thủ công.
Vụ xuân 2023, toàn huyện Đông Hưng có gần 5.000ha cấy máy mạ khay, đến vụ mùa 2023 nhu cầu cấy máy của bà con tăng cao hơn. Để cấy được máy, lúa phát triển cho năng suất cao thì phải làm mạ khay chuẩn. Trong khi nhân lực lao động nông nghiệp ngày càng thiếu thì việc sản xuất máy gieo mạ khay của anh Tuân với giá rẻ đã giúp nhiều chủ máy cấy, hộ tích tụ ruộng mạnh dạn mở rộng diện tích tích tụ, nhận thêm ruộng cấy máy cho bà con.
Anh Trần Văn Quân, xã Phong Châu cho biết: Tôi cấy 6 mẫu lúa, trước đây chúng tôi gieo bằng tay mất nhiều thời gian, công lao động, chi phí lớn. Muốn mua máy gieo mạ khay nhưng của hãng giá quá cao. Khi anh Tuân sản xuất thành công máy gieo mạ khay với giá tốt chỉ bằng 1/3 giá máy của hãng, tôi đặt mua ngay. Máy rất dễ sử dụng, tôi xem anh Tuân hướng dẫn bằng video là thực hiện được ngay. 1 buổi sáng với 5 nhân công chúng tôi có thể gieo 3 tạ thóc giống, bình quân 1 tiếng được 500 - 600 khay mạ.
Vì tự sản xuất nên chi phí thấp, giá thành rẻ, hiệu quả, đặc biệt là hợp với nguồn tài chính của nông dân. Vì thế, 5 năm qua, anh Tuân đã sản xuất hàng trăm máy gieo mạ khay cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Sáng chế của người nông dân này đã góp phần cơ giới hóa gần như toàn bộ quá trình sản xuất lúa, giúp giải phóng sức lao động, bảo đảm thời vụ, tăng năng suất cũng như thu nhập cho người trồng lúa.
Nguồn: https://danviet.vn/anh-nong-dan-thai-binh-lam-ra-chiec-may-gieo-ma-khay-gia-re-nhung-chat-luong-tuong-duong-cac-hang-lon-20230702112127683.htm