Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ

Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.

Ngày 22/12, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết nêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Để thực hiện mục tiêu này cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Đây được coi là một cuộc cách mạng toàn diện trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi triển khai quyết liệt, đồng bộ, kiên trì với những giải pháp đột phá, lâu dài. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, và Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển.

Thể chế, nhân lực, hạ tầng và dữ liệu là những nội dung trọng tâm cốt lõi. Thể chế được xem là điều kiện tiên quyết, cần được hoàn thiện trước một bước với tư duy đổi mới, bảo đảm quản lý hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Nguồn nhân lực chất lượng cao cần được chú trọng với cơ chế đặc biệt để thu hút và sử dụng nhân tài. Hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số phải được phát triển theo nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí. Dữ liệu được khai thác tối đa tiềm năng, trở thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy công nghiệp dữ liệu và kinh tế dữ liệu.

Bộ Chính trị cho rằng phát triển nhanh và bền vững phải đi đôi với từng bước tự chủ về công nghệ, đặc biệt là các công nghệ chiến lược. Nguồn lực quốc gia cần được ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kết hợp phát huy trí tuệ Việt Nam với việc tiếp thu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh trong các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ chủ quyền không gian mạng, an ninh dữ liệu và an toàn thông tin được xác định là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong tiến trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát thực địa vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná, tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ngày 5/12. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát thực địa vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ngày 5/12. Ảnh: TTXVN

Việt Nam sẽ vào nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về trí tuệ nhân tạo năm 2030

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đạt trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trên mức trung bình thế giới và một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.

Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số với ít nhất năm doanh nghiệp công nghệ ngang tầm quốc tế.

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 55% vào tăng trưởng kinh tế; sản phẩm công nghệ cao chiếm ít nhất 50% giá trị hàng xuất khẩu; kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao dịch không dùng tiền mặt đều vượt 80%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7. Kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó xã hội đóng góp hơn 60%, và ít nhất 3% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu.

Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học đạt 12 người trên một vạn dân; 40-50 tổ chức khoa học được xếp hạng khu vực và quốc tế; công bố khoa học quốc tế tăng 10%/năm; đơn đăng ký sáng chế tăng 16-18%/năm, với tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%.

Việt Nam từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G-6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Toàn quốc sẽ phủ sóng 5G sau sáu năm nữa. Ít nhất ba doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới được thu hút đến đặt trụ sở, đầu tư, nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới, nằm trong nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về một loại chip mới, tại Techconnect Vietnam 2024. Ảnh: Việt An

Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về một loại chip mới, tại Techconnect Vietnam 2024. Ảnh: Việt An

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu phát động phong trào "học tập số," phổ cập và nâng cao kiến thức khoa học, kỹ năng số trong cán bộ, công chức và toàn dân. Đồng thời, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo và cải tiến cần thúc đẩy mạnh mẽnhằm nâng cao hiệu quả công việc, tăng năng suất lao động, phát huy tối đa trí tuệ người Việt.

Bộ Chính trị chỉ đạo khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư, mua sắm công, ngân sách, sở hữu trí tuệ, thuế... để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với đó, các cơ quan cần cải cách phương thức quản lý tài chính, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Chủ trương tiếp cận mở được nhấn mạnh, cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của nhà nước, đồng thời được miễn trừ trách nhiệm với những thiệt hại kinh tế do yếu tố khách quan khi thử nghiệm mô hình kinh doanh hoặc công nghệ mới.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng định hướng hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số, tạo động lực phát triển bền vững.

Cơ chế đặc biệt mua các bí mật công nghệ nước ngoài

Các trường đại học và viện nghiên cứu phải trở thành những trung tâm nghiên cứu mạnh, với trọng tâm nâng cấp hai Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Khoa học Xã hội Việt Nam. Các cơ quan được khuyến khích xây dựng cơ chế cho phép tổ chức và nhà khoa học thành lập, điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Bộ Chính trị cũng định hướng áp dụng cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận và mua bí mật công nghệ, học hỏi và sao chép công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp chiến lược cùng Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược sẽ được ban hành. Các lĩnh vực ưu tiên gồm quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa. Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ chiến lược sẽ được xây dựng, với ít nhất 15% ngân sách sự nghiệp khoa học dành cho nghiên cứu công nghệ chiến lược.

Việt Nam sẽ ban hành chiến lược nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác và phát triển không gian biển, ngầm, và vũ trụ. Tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm, sẽ được khai thác hiệu quả để phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm cùng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia sẽ được đầu tư tập trung vào công nghệ chiến lược.

Các cơ quan cũng sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đồng thời thu hút doanh nghiệp nước ngoài đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ngành công nghiệp dữ liệu lớn sẽ được hình thành, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn trong các ngành quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, cơ chế hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí sẽ được áp dụng nhằm thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực như toán học, vật lý, sinh học, hóa học và công nghệ then chốt, đặc biệt ở trình độ sau đại học. Cơ chế đặc thù sẽ được xây dựng để thu hút người Việt ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có trình độ cao đến Việt Nam làm việc và sinh sống.

Đồng thời các chính sách đặc biệt về nhập tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập và môi trường làm việc sẽ được triển khai để trọng dụng và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, và tổng công trình sư, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Cánh tay robot được phát triển bởi Đại học Bách khoa Hà Nội dùng thay thế con người ở nhiều vị trí như bốc dỡ hàng hóa, trưng bày tại sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: Việt An

Cánh tay robot được phát triển bởi Đại học Bách khoa Hà Nội dùng thay thế con người ở nhiều vị trí như bốc dỡ hàng hóa, trưng bày tại sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: Việt An

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ

Toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ từng bước chuyển đổi lên môi trường số theo lộ trình, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu bảo mật nhà nước. Việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công sẽ không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu.

Vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự, an ninh sẽ được hiện đại hóa, kết hợp ứng dụng công nghệ số vào chỉ huy và điều hành tác chiến của lực lượng vũ trang. Việt Nam hướng tới làm chủ công nghệ cao trong các hoạt động quốc phòng và an ninh.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được khuyến khích và hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi nhằm đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Nguồn: https://vnexpress.net/

Liên kết