Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho rằng, thực tế để các Bộ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia đã nảy sinh tình trạng chồng chéo, cùng một nội dung có hai Bộ ban hành.
Ngày 7/1/2025 tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Toàn cảnh Phiên họp.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việc sửa đổi Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Các quy định về trách nhiệm thẩm định quy chuẩn Việt Nam và chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở là hai nội dung có thay đổi so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ VIII. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần đánh giá tác động, sự cần thiết để không làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong nước và quốc tế.
Trên thực tế, tại khoản 9 Điều 1, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ VIII đã quy định giao trách nhiệm thẩm định cho các cơ quan ban hành quy chuẩn Việt Nam. Theo đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Quy định theo hướng này nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của các cơ quan trong quá trình xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo, có quy định tiếp tục kiện toàn tổ chức hoạt động cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng chỉ một đầu mối cấp quốc gia để quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, việc quy định như dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tám chưa thể chế hóa quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 38-CT/TW.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và thể chế hóa kịp thời Chỉ thị số 38-CT/TW, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật theo hướng giao Bộ KH&CN thẩm quyền chủ trì thẩm định quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của quy định này.
Giải trình về việc tại sao cần có một đầu mối thẩm định quy chuẩn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, thực tế để các bộ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia đã nảy sinh tình trạng có hai quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về khí thải xe máy, do hai Bộ ban hành dù cùng một nội dung.
Mặt khác, trong quá trình thẩm định các quy chuẩn Việt Nam thời gian qua, Bộ KH&CN đã phát hiện có rất nhiều vấn đề vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế (TBT) và sau khi có ý kiến của các tổ chức quốc tế đã phải gỡ bỏ quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực đó. “Có những đơn vị sau khi rà soát đã phải kiểm soát đến hàng chục văn bản như vậy. Đây là thực tế dẫn tới việc cần có một đầu mối thống nhất quản lý nhà nước cũng như kiểm soát tính hệ thống”, Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định giải trình tại Phiên họp.
Liên quan đến chứng nhận hợp quy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là một trong số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các đại biểu chưa thống nhất việc bổ sung hay không quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy, đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng, việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ đúng quy định của Hiệp định TBT, các cam kết quốc tế và được quy định cụ thể tại dự thảo Luật này. Việc này bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật có tính chuyên môn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, môi trường thì quá trình xây dựng, thẩm định phải tiến hành nhiều hoạt động như khảo sát, thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động...
Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Lê Xuân Định nói, nếu không có chứng nhận hợp quy đối với hàng hóa thì giống như tham gia giao thông trên đường mà "luật lệ không minh bạch". Thứ trưởng cho rằng, bỏ quy định về hợp quy trong dự thảo sẽ gây ra tình trạng các doanh nghiệp sẽ không đảm bảo chất lượng, không được chứng nhận, không được giám sát. Bên cạnh đó, việc này ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu không kiểm soát được chất lượng.
Với độ mở nền kinh tế rất lớn, hàng hóa Việt Nam sẽ tiến đến nhiều thị trường khó tính. Nếu như không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, hàng hóa không thể đáp ứng, trong khi các nước yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy thậm chí còn khắt khe hơn chúng ta.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, bỏ hợp quy làm mất kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm, không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng hoặc là tổn hại môi trường. Việc này làm tăng nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi, cản trở cho xuất khẩu và rủi ro cho uy tín quốc gia.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp. Ủy ban KH,CN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, các tài liệu liên quan và thực hiện các bước công việc theo quy định; hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguồn: https://www.most.gov.vn/