Trong chương trình dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề “Quan hệ kinh tế trong kỷ nguyên mới – Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”.
Cùng dự có đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và đại diện Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) trao đổi bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác thúc đẩy dự án Khu công nghiệp Thăng Long II, giai đoạn 4.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tốc độ tăng trưởng cao với chính sách phù hợp, thị trường lớn và nguồn nhân lực ưu tú của Việt Nam; đồng thời cho biết với quan điểm Đối tác đồng sáng tạo kinh tế và xã hội tương lai, Nhật Bản sẽ tập trung hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp tương lai, giảm phát thải carbon… Diễn đàn cũng nghe đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản trình bày những định hướng, đề xuất hợp tác, đầu tư về phát triển xanh, chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức rất cao. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ hai về hợp tác lao động, đứng thứ ba về hợp tác đầu tư và du lịch, đứng thứ tư về hợp tác thương mại. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Về đầu tư, với trên 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm như: sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo; linh kiện điện tử; nghiên cứu và phát triển; tài chính; đặc biệt đối với các lĩnh vực mới như: công nghệ sinh học; công nghệ lượng tử; trí tuệ nhân tạo (AI); y tế thế hệ mới. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 40 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt gần 20 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam – Nhật Bản chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, sản xuất hydro xanh, sản xuất pin, năng lượng, tài chính, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, có biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và đại diện Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã trao đổi bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác thúc đẩy dự án Khu công nghiệp Thăng Long II, giai đoạn 4.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Hưng Yên, Khu công nghiệp Thăng Long II có vị trí địa lý khá thuận lợi khi chỉ cách Hà Nội khoảng 30km, cảng Hải Phòng khoảng 70km và cảng nước sâu Quảng Ninh khoảng 110km.
Năm 2005, tỉnh Hưng Yên cho phép Sumitomo và Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Thăng Long nghiên cứu khảo sát lập dự án và làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long II với quy mô 219,6ha. Sau đó, các bên liên doanh đã thống nhất thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Thăng Long II làm chủ đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành dự án. Đến nay, sau 3 giai đoạn, Khu công nghiệp Thăng Long II phát triển với diện tích 545,6 ha.
Trong giai đoạn 4, Tập đoàn Sumitomo sẽ chú trọng đến việc mở rộng khu thương mại và nhà ở trên diện tích 391,7 ha, với tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD.
Khu công nghiệp Thăng Long II được các doanh nghiệp đánh giá cao bởi hạ tầng kỹ thuật, cung cấp dịch vụ đồng bộ, đầu tư hệ thống xử lý và cung cấp nước hiện đại. Đây là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu và là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Hưng Yên. Đến nay, Khu công nghiệp này đã tiếp nhận trên 100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD, chủ yếu là các các nhà đầu tư Nhật Bản; trong đó có một số tập đoàn kinh tế lớn như: Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic.
Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh là 534 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD; trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng đầu về số dự án với 173 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hiện đã có khoảng 170 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng trên 3,2 tỷ USD, qua đó tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.
Tỉnh Hưng Yên coi trọng và kêu gọi các nhà đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và tỉnh Hưng Yên có lợi thế cạnh tranh vượt trội và có nhu cầu phát triển như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh; phát triển nông nghiệp hiện đại; khu công nghiệp; phát triển hạ tầng logistics; tài chính, ngân hàng. Hưng Yên mong muốn hợp tác và huy động nguồn lực từ bên ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Tỉnh luôn chào đón các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu và đầu tư tại Hưng Yên.
Nguồn tin: baohungyen.vn