Cơ chế trả lương như ngân hàng để hút tài năng công nghệ

Các chuyên gia cho rằng TP HCM cần thu hút nhân lực am hiểu công nghệ mới cho Trung tâm tài chính Quốc tế bằng cơ chế đặc thù về lương và các đãi ngộ trong đào tạo.

Tại hội thảo đề xuất cơ chế đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sáng 15/1, các chuyên gia đề xuất các chính sách thu hút, phát triển nhân lực quản lý, vận hành trung tâm này.

Ông Phan Hồng Quân, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết khi phát triển trung tâm tài chính quốc tế, ngoài các hạ tầng cứng như cơ sở vật chất, công nghệ... hạ tầng mềm như nguồn nhân lực có trình độ quan trọng không kém. Làm việc tại các trường đại học, ông Quân đánh giá có nhiều bạn trẻ rất đam mê công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), fintech... Tuy nhiên, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này ở trong nước chưa nhiều.

Ông Phan Hồng Quân, Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại hội thảo, sáng 15/1. Ảnh: Hà An

Ông Phan Hồng Quân, Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại hội thảo, sáng 15/1. Ảnh: Hà An

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất, cần có các chương trình đào tạo sinh viên tiên tiến, khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận giáo dục STEM từ bậc trung học. Ông Trung mong muốn thành phố dành ngân sách phân bổ đầu tư nhân sự am hiểu công nghệ cho trung tâm tài chính. "Con người chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam vì chúng ta không thể so năng lực tài chính với các trung tâm tài chính lớn tại Singapore, London hay NewYork", ông Quân nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Fintech Việt Nam đề xuất thành phố có các trung tâm đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế. Để làm việc này, ông Thắng cho rằng, cần cơ chế thu hút nhân tài là người Việt Nam có kinh nghiệm làm việc tại các trung tâm tài chính trên thế giới bằng các chính sách về thu nhập. "Cần cơ chế để trung tâm tài chính chủ động chế độ trả lương, tương tự ngành ngân hàng", ông Thắng nói.

TS Hà Thị Thủy, Trưởng Khoa tài chính thương mại, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho rằng việc đào tạo nhân lực fintech hiện thiếu sự bắt tay giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp. Bà đề xuất thành phố có ngân sách cho hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao từ học sinh, sinh viên và đào tạo lại những nhân sự làm việc tại doanh nghiệp. "Việc tổ chức đào tạo này cần có kinh phí nhà nước hỗ trợ để nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường. Lý do, các hoạt động giáo dục trong nhà trường hạn chế về tính thực tế", TS Thủy nói.

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam, đánh giá nhân lực cho công nghệ tài chính đang rất thiếu. Ông cho rằng, hoạt động tổ chức đào tạo lĩnh vực fintech cần mở rộng quy mô các khoa ở trường đại học, hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực. TS Quý cho rằng, cần có học bổng tương xứng nhằm khuyến khích thu hút nhân lực lĩnh vực này.

TS Trần Qúy, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà An

Vấn đề nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế từng được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nêu trong cuộc họp hôm 2/1. Ông yêu cầu các cơ quan chủ động tuyển dụng từ nguồn nhân lực hiện có, kết hợp các chính sách khác. Nhân lực của trung tâm tài chính có thể được đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới.

Tại hội thảo, ngoài vấn đề nhân lực, các chuyên gia đề xuất cơ chế vận hành Trung tâm tài chính Quốc tế tại TP HCM cần đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng công nghệ như mạng internet tốc độ cao, xây dựng trung tâm dữ liệu và cơ chế quản lý, kinh doanh, khai thác dữ liệu; các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) khi vận hành trung tâm tài chính. Chuyên gia cũng đề xuất việc luật hóa khai thác, kinh doanh tiền số; các hoạt động giao dịch tài chính cần được thực hiện tự do dựa trên hệ thống luật; quy định phòng chống rửa tiền, đảm bảo an toàn tài sản...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng, đánh giá hiện các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới có sự chuyển dịch trong tuyển dụng bằng việc chọn nhân sự có khả năng về công nghệ bên cạnh kiến thức chuyên ngành. Điều này thể hiện bằng việc một số công ty tài chính có nguồn thu từ việc bán các công cụ công nghệ giúp khách hàng làm các phân tích, dự báo trong lĩnh vực. Ông cho biết, các ý kiến đóng góp của chuyên gia là căn cứ giúp Sở tham mưu UBND thành phố các vấn đề liên quan thu hút nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ, nghiên cứu triển khai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đề án Trung tâm tài chính Quốc tế.

Hôm 4/1, Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố với chủ trương thành lập Trung tâm tài chính Quốc tế toàn diện tại TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng, dự kiến vận hành năm nay. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Trung tâm tài chính Quốc tế giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Nguồn:https://vnexpress.net/co 

Liên kết