Cơ hội để doanh nhân Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế

Đội ngũ doanh nhân nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển  cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Nhờ đó, đội ngũ doanh nhân nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tính đến tháng 3/2024, có trên 930.000 DN đang hoạt động, có sự tham gia của khoảng 32.000 hợp tác xã, trên 18 900 trang trại và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể cùng với đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay vẫn đang còn nhiều hạn chế, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trong đó cần quan tâm củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức đại diện, các hiệp hội doanh nghiệp.

Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2023 một món quà đặc biệt của Ngày Doanh nhân Việt Nam và những kết quả bước đầu

Cách đây vừa tròn 1 năm, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân hồ hởi đón nhận như một món quà đặc biệt nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2023.

Nghị quyết 41-NQ/TW đã khẳng định “đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Nghị quyết xác định quan điểm và nêu ra nhiều giải pháp mới rất quan trọng như tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...

Ngày 9/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển doanh nhân, doanh nghiêp như: đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; đến năm 2045 hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế…

Theo tổng hợp của VCCI và Ban Kinh tế trung ương, đến nay đã có 55/63 tỉnh/thành ủy, 22 ban bộ ngành trung ương và các tổ chức chính trị xã hội ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Tuy chưa đánh giá, sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ nhưng theo dự báo của VCCI số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 sẽ tiếp tục tăng cao hơn 159 nghìn của năm 2023 và là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt 2,1 triệu doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm các nước cho thấy nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030. Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ phải “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.

Trên tinh thần này, Nghị quyết 66/NQ-CP đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” để hình thành lực lượng doanh nghiệp dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp ở nước ta.

Năm 2023, VCCI thành lập Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm 21 thành viên ban đầu là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam như Thaco, FPT, BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời,... để phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành, địa phương phát triển bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế.

Điều đáng mừng là hiện nay nước ta đã có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, đã và đang tích lũy đủ năng lực quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu mạnh vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH,...

thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-gap-mat-doanh-nghiep-nhan-8254d-1728382513.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp 04/10/2024. (Ảnh: TTXVN)

Cơ hội, thách thức đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có khoảng 800 Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nhân. Hầu hết các doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động đều tham gia một số Hiệp hội ngành hàng để liên kết hoạt động ngày càng hiệu quả với qui mô lớn như: Hiệp hội Rau quả VN , Hiệp hội Cà phê ca cao VN, Hiệp hội Cao su VN, Hiệp hội hồ tiêu VN , Hiệp hội dừa VN, Hiệp hội mắc ca VN, Hiệp hội Trang trại Doanh nghiệp nông nghiệp VN, Hiệp hội Đầu tư xây dựng- dịch vụ Nông Lâm nghiệp VN, Hiệp hội Yến sào VN…

Trước bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế phát triển nhanh thì doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Cũng như doanh nghiệp, mô hình sản xuất trang trại cũng được coi là loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, có quy mô lớn, hiệu quả cao hơn nông hộ và hoạt động như là một doanh nhân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2021, cả nước có 18.945 trang trại (theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT) trong đó có khoảng 2.300 trang trại đã liên kết theo chuỗi giá trị và ngày càng nhiều trang trại đã kết hợp các hoạt động du lịch cảnh quan, sinh thái và sản xuất phi nông nghiệp như: sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Tuy nhiên, hoạt động của nhiều trang trại này đã phát sinh, bộc lộ nhiều hạn chế, phần lớn còn mang tính tự phát, chất lượng lao động còn thấp, 97% lao động trong trang trại chưa qua đào tạo; năng lực quản trị, khả năng tài chính, hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý còn hạn chế; số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao chưa nhiều; sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa cao và không ổn định, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống còn nhiều. Nhiều trang trại chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa.

Để giúp các doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại là những doanh nhân  có khát vọng vươn lên phát triển vũng mạnh theo Nghị quyết 41/BCT Các cơ quan chức năng và các cấp chính quyên cần chủ động tạo điều kiện giúp các doanh nhân, chủ trang trại tiếp cận các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp đang còn nhiểu bức xúc.

Sớm ban hành tiêu chí trang trại phù hợp tình hình hiện nay, sớm tháo gỡ các khó khăn về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế trang trại, phát triển du lich nông nghiệp, xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất, chế biến, trang trại nhà yến trên đất nông nghiệp; đầu tư nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, trang trại nông nghiệp cảnh quan; Điện áp mái mặt trời... ở trang trại nông nghiệp; Trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... hiện đang vướng nhiều luật, chưa có sự thống nhất nên đứng trước nguy cơ nhiều rủi ro, rất khó khăn trong hoạt động. Chính quyền các cấp vẫn còn lúng túng trong chỉ đạo xử lý các trường hợp này. 

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh cũng như chính quyền các cấp trong chỉ đạo, xử lý, điều cần thiết hiện nay là Chính phủ sớm có một Nghị quyết hay Nghị định để thống nhất chỉ đạo một cách đồng bộ nhất là về đất đai; xây dựng, tín dụng, thuế... kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, vướng mắc, các yếu tố tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của Trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.

Cần phải bảo đảm các nguồn lực để triển khai chính sách, nhất là ngân sách để thực hiện các hỗ trợ của nhà nước, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và động lực cho các chủ trang trại chuyển đổi mô hình hoạt động, không để cho các doanh nhân, chủ trang trại phải chạy nhiều nơi, bỏ cuộc, nản chí.

Các Bộ, Ngành và các địa phương cần hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp rủi ro do thiên tai cũng như các khó khăn trong sản xuất kinh doanh do yếu tố thị trường. Cần thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế để an lòng doanh nghiệp, động viên doanh nhân cống hiến hết mình cho sự phát triển đất nước. 

79 năm trước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới giới Công Thương Việt Nam nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới Công Thương đối với nền kinh tế quốc gia, trong đó nhấn mạnh: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

“Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.

Trong bối cảnh hiện nay của nước ta với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bài phát biểu nhân ngày kỷ niệm doanh nhân Việt Nam năm 2024 cũng đã khẳng định “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta”. Thủ tướng đưa ra thông điệp “Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng”./.

Liên kết