Việt Nam thành điểm sáng kinh tế toàn cầu, đối ngoại đạt thành tựu lịch sử, xây dựng cao tốc, xuất khẩu nông sản lập đỉnh... là những dấu ấn nổi bật 2023, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Việt Nam là điểm sáng kinh tế toàn cầu
Năm 2023, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Các mục tiêu tổng quát đề ra cơ bản đạt được, 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt giúp đất nước tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (chỉ tiêu 4,5%). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát. Tăng trưởng được thúc đẩy. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Trong bối cảnh toàn cầu khó khăn, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng 5%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao khu vực và thế giới.
Một góc TP HCM nhìn từ trên cao với điểm nhấn là tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB lên mức BB+, với triển vọng ổn định. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Đối ngoại đạt thành tựu lịch sử
Năm 2023, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, bài bản, liên tục, thành công và là điểm sáng nổi bật. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả.
Chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden được tổ chức, đón tiếp thành công. Loạt chuyến thăm và làm việc ở nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác quan trọng. Hình ảnh, tầm vóc, uy tín, vị thế Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời trà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 12/12. Ảnh: TTXVN
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20. Điều này góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cao tốc khởi công và hoàn thành nhiều nhất trong một thập kỷ
Năm 2023, số dự án cao tốc khởi công mới và hoàn thành nhiều nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, toàn quốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 730 km cao tốc, nâng tổng số cao tốc trên toàn quốc lên gần 1.900 km. Cả nước có 1.700 km đang thi công. Chính phủ phấn đấu hoàn thành, vượt mục tiêu toàn quốc có 3.000 km cao tốc năm 2025 và 5.000 km cao tốc năm 2030.
9 dự án cao tốc hoàn thành trong năm 2023. Video: Nhóm phóng viên
Ở lĩnh vực hàng không, nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài (Huế) đã hoàn thành, sân bay Điện Biên được mở rộng, đưa vào khai thác. Nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sân bay Long Thành cũng đã khởi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Hoàn thiện thể chế xứng tầm đột phá chiến lược
Năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng, xứng tầm đột phá chiến lược với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm. Năm 2023, Quốc hội thông qua 16 luật, 29 nghị quyết và cho ý kiến 18 dự án luật. Chính phủ tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến 47 nội dung, tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật Đất đai sửa đổi. Chính phủ ban hành 86 nghị định, Thủ tướng ban hành 29 quyết định quy phạm.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023. Ảnh: Nhật Bắc
Việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh; bộ máy được rà soát, kiện toàn; tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ được chấn chỉnh. Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đến nay đã có 108/11 quy hoạch được thẩm định, phê duyệt. Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương được ban hành.
Xuất khẩu nông sản lập đỉnh
Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục.
Cụ thể, nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD gồm cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Nông dân thị xã Cai Lậy, Tiền Giang thu hoạch sầu riêng trong đợt giá tăng cao, khoảng 135.000-145.000 đồng mỗi kg, hồi tháng 11/2023. Ảnh: Hoàng Nam
Xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục và vượt xa kỳ vọng ban đầu là cả năm đạt 4 tỷ USD. Trong 11 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập kỷ lục với hơn 7,7 triệu tấn, giá trị 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái. Gạo Việt vượt qua các đối thủ để giành vị trí số một cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA) với Israel, đến nay Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA, đang tiếp tục đàm phán 3 FTA gồm Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN - Canada, và Việt Nam - UAE.
Kỷ lục giải ngân vốn FDI
Đến 20/12, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, là năm cao thứ ba giai đoạn 2008 đến nay. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.
Năm 2023 có doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với 160.000, tăng 7,2% so với năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2023 là hơn 58.400. Như vậy, doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường hơn 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm.
Thúc đẩy lĩnh vực mới nổi
Năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy. Ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, là điểm sáng trong chuyển đổi số.
Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Trung tâm Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được khánh thành. Ba trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng được tập trung xây dựng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng hai bậc so với năm 2022.
Phối cảnh Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Nhật Bắc
Năm 2023 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới.
Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Lần đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực
Năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Việc này nhằm khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho lao động.
Ước giải ngân đầu tư công cả năm gần 668.000 tỷ đồng, đạt 94,3% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 2,88% (137.600 tỷ đồng). Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển.
Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án sử dụng vốn đầu tư công, tháng 8/2023. Ảnh: Thanh Tùng
Chính phủ quyết liệt xử lý, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, phát triển các loại thị trường đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập. Việc ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản khởi sắc tích cực. Chính phủ cũng tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là 5 ngân hàng yếu kém.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cơ cấu lại, cải thiện hiệu quả hoạt động. 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài nhiều năm được tiếp tục xử lý, đạt hiệu quả bước đầu. Nhiều dự án điện lớn được đưa vào vận hành sau thời gian dài gián đoạn.
Đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu về xã hội
Năm qua, lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét. Toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra với tinh thần không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tổng trị giá của các chính sách này khoảng gần 200.000 tỷ đồng và tính đến tháng 11, đã miễn, giảm, gia hạn trên 172.000 tỷ đồng (trong đó miễn, giảm khoảng 65.000 tỷ đồng). Tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương được thực hiện quyết liệt. Đến nay, ngân sách đã bố trí được 560.000 tỷ đồng đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương 2024-2026.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là nhóm yếu thế, diện chính sách được đẩy mạnh. Đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới hồi tháng 3 của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Đẩy mạnh chống tham nhũng
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, khẳng định đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Nhiều vụ án lớn có bước tiến mới trong điều tra, khám phá, xét xử. Cơ quan chức năng đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước mà từ trước tới nay chưa xử lý được. Điển hình là mở rộng giai đoạn 2 vụ án Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; Tân Hoàng Minh; Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty An Đông...
Nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, bị xử lý theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tháng 11/2023. Ảnh: TTXVN
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ