Đánh giá tình hình triển khai các dự án trọng điểm tỉnh

Ngày 12/1, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí: Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh...

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tiến độ, đồng thời thảo luận, góp ý giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác triển khai 12 dự án trọng điểm của tỉnh, gồm các dự án: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh; đường Tân Phúc - Võng Phan; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) số 03; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Mỹ II mở rộng; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Mỹ; Cụm công nghiệp (CCN) Kim Động; CCN Chính Nghĩa; CCN Đặng Lễ; CCN Phùng Chí Kiên; CCN Lạc Đạo; CCN Yên Mỹ; CCN Đồng Than. Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện các dự án trọng điểm trong năm 2023 và phương hướng thực hiện trong năm 2024.

Các đại biểu dự hội nghị

Năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của Nhân dân và sự nỗ lực của các chủ đầu tư, việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các dự án, công trình trọng điểm nói riêng đã thu được những kết quả tích cực. Tỉnh đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được khoảng 460 héc-ta đất KCN, 250 héc-ta đất CCN. Nổi bật trong đó là các dự án, công trình trọng điểm như: Đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội đạt 195,6 héc-ta, đường Tân Phúc – Võng Phan đạt 128,58 héc-ta, KCN số 3 đạt 159,71 héc-ta, KCN Yên Mỹ II mở rộng đạt 168,5- héc-ta, KCN Yên Mỹ đạt 30,3 héc-ta,... Đã khởi công 3 KCN lớn gồm KCN số 03, KCN số 05, KCN Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 và 4 CCN gồm: Minh Khai, Quảng Lãng - Đặng Lễ, Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân, Trần Cao – Quang Hưng. Trong năm, các KCN đã tiếp nhận được 64 dự án đầu tư (49 dự án FDI và 15 dự án DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 715 triệu USD và 1.990 tỷ đồng. Các CCN cũng đang nhanh chóng đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư các nhà đầu tư thứ cấp.

 

Năm 2024, các ngành, địa phương quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và tổ chức thực hiện hiệu quả ngay từ những ngày đầu của năm 2024; báo cáo thường xuyên, định kỳ theo quy định...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2023, qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các dự án ngay từ những ngày đầu của năm 2024; rà soát lại các dự án để đưa vào hoặc loại ra khỏi danh mục các dự án trọng điểm nếu cần thiết; UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chi trả GPMB đối với các dự án, bảo đảm chi đúng, chi đủ theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất ngay từ đầu năm; đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, xét duyệt nguồn gốc sử dụng đất để xây dựng phương án hỗ trợ tái định cư phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương về vấn đề xác định giá đất tái định cư; các địa phương chủ động bố trí khu vực tái định cư, xây dựng nghĩa trang để phục vụ công tác GPMB các dự án; các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đối với từng dự án, đề ra mốc thời gian cụ thể để thực hiện; tăng cường phối hợp, báo cáo với các bộ, ngành trung ương những khó khăn, vướng mắc để có phương án giải quyết. Các thành viên Ban Chỉ đạo đề cao vai trò, trách nhiệm được giao, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án; thành lập tổ tuyên truyền để tham mưu với Ban Chỉ đạo về công tác tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò của tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo trong việc giám sát, phát hiện, tham mưu trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; huy động tối đa lực lượng cho công tác GPMB các dự án; đề nghị các chủ đầu tư hạ tầng xây dựng kế hoạch, cam kết bằng văn bản tiến độ thực hiện các dự án; đẩy nhanh tiến độ rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư để các chủ đầu tư có điều kiện triển khai thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của chủ đầu tư hạ tầng trong quá trình triển khai dự án; sớm ban hành cơ chế quản lý hoạt động của nhà đầu tư trong các khu công nghiệp; quan tâm tới nguồn cung vật liệu cho việc thi công xây dựng các dự án…

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh cần khẩn trương thực hiện việc thu hồi đất ở, đất nghĩa trang và di dời hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu hoàn thành GPMB trước ngày 30/6/2024. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đánh giá các giải pháp triển khai dự án đường công vụ phục vụ thi công dự án.

Đối với dự án đường Tân Phúc - Võng Phan, cần tích cực triển khai công tác GPMB; bố trí tái định cư, xây dựng nghĩa trang mới; khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm tiến độ đề ra; Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án.

Đối với các dự án KCN, xem xét cho ra khỏi danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh đối với KCN số 03. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời các chủ đầu tư trong công tác GPMB một số vị trí gặp khó khăn; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện việc triển khai dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh; quản lý chặt việc thu hút các dự án đầu tư theo đúng định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh. 

Đối với các dự án CCN, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện GPMB; khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất lúa; tập trung điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Phạm Đăng

Nguồn: https://baohungyen.vn/danh-gia-tinh-hinh-trien-khai-cac-du-an-trong-diem-tinh-3168923.html

Liên kết