Đào tạo kiến thức về tư duy cải tiến liên tục với công cụ Kaizen cho sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ năng suất chất lượng trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng, chiều ngày 04/9/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã tổ chức buổi đào tạo với chuyên đề 5: “Kaizen – Tư duy cải tiến liên tục”.

Về phía Ủy ban, chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị của Ủy ban tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Về phía các trường đại học, cao đẳng có sự tham gia trực tuyến của gần 100 sinh viên và các thầy cô giáo đến từ: Đại học Phan Thiết, Đại học Nha Trang, Đại học Trà Vinh, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Bình Dương, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Kinh tế kỹ thuật Thái nguyên, Đại học Thủ Dầu 1, Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Vĩnh Phúc, Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.

Trình bày tại buổi đào tạo, ThS. Trần Thị Thanh Hương – Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, báo cáo viên của chương trình cho biết, Triết lý Kaizen bắt đầu manh nha ở Toyota bắt đầu từ sau chiến tranh Thế giới thứ II trong sự kiện một vài nhà quản lý chất lượng người Mỹ đến thăm và tham gia đào tạo về kiểm soát chất lượng trong dây chuyên sản xuất khi tại nhà máy này.

Tại Toyota, những cải tiến nhỏ trong hệ thống sản xuất đã giúp Toyota trở thành một trong những hệ thống hiệu quả và đáng tin cậy nhất trên thế giới.

Từ đó có thể đưa ra khái niệm về Kaizen chính là lựa chọn những giải pháp tốt hơn, hoặc thay đổi phương pháp hiện tại để đạt được mục tiêu.

Theo bà Hương, có 4 “cánh cửa” Kaizen đó chính là phát hiện vấn đề; lên ý tưởng và cải tiến; đánh giá; cải tiến liên tục. Trong đó, phát hiện vấn đề là sự tìm kiếm vấn đề nằm ở đâu thì cách giải quyết nằm ở đó. Càng xác định chính xác và rõ vấn đề, càng dễ dàng có cách giải quyết.

Việc lên ý tưởng và cải tiến là sự loại bỏ, giảm bớt và thay đổi (nếu không thể loại bỏ và giảm bớt). Ví dụ minh họa cho phần này, thay vì in 124 trang giấy một mặt thông thường chúng ta có thể loại bỏ còn 36 trang giấy có thông tin cần thiết (in 2 mặt, gộp thông tin vào cùng trang giấy), hay việc sử dụng mạng LAN để dùng chung 1 máy in cho các máy tính để giảm bớt chi phí. Sự thay đổi có thể diễn ra trong một nhà hàng lẩu thay vì xếp hàng dài để chờ đến lượt vào ăn thì nhà hàng cải tiến bằng cách có dịch vụ làm móng cho khách hàng xếp hàng chờ đợi.

Buổi đào tạo diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Các nguyên tắc cải tiến lãng phí thao tác thừa bao gồm 11 nguyên tắc: thứ nhất là loại bỏ động tác không cần thiết; thứ hai là thực hiện thao tác trong quãng thời gian ngắn nhất; thứ ba là tránh chuyển hướng bất ngờ hoặc tránh động tác zigzag; thứ tư là có thể sử dụng đồng thời hai tay; thứ năm là vật liệu hoặc công cụ đặt ở phía trước, gầ vị trí; thứ sáu là giảm di chuyển mắt; thứ bảy là sử dụng trọng lực hoặc động lực; thứ tám là có thể thực hiện nhập trước, xuất trước; thứ chín là kết hợp 2 động tác trở lên; thứ mười là nguyên liệu hoặc công cụ bài trí theo trình tự thao tác; thứ mười một là đặt ở vị trí dễ lấy dễ đặt lại.

Có thể thấy, việc lên ý tưởng và cải tiến sẽ giúp loại bỏ và giảm bớt được chi phí, thời gian cũng như công sức trong hoạt động sản xuất.

Về phần đánh giá, câu hỏi đặt ra chính là vấn đề được giải quyết chưa? Có phát sinh ra vấn đề khác, lại cần Kaizen tiếp không? Có giải pháp nào hiệu quả hơn không (tốn ít nguồn lực hơn)?.

Về cải tiến liên tục, thứ tự Kaizen là Kaizen cái đang có, không nâng cao được, đầu tư mới và Kaizen cái đầu tư mới.

Chia sẻ về những ví dụ thành công, tại hãng ghế HermanMiller sau khi áp dụng Kaizen đã tăng 500% năng suất và 1000% chất lượng, cụ thể trong việc đóng gói 1 chiếc ghế chỉ mất 17s để kéo ghế vào hộp so với trước đây là 82s, mất 340s để sản xuất hoàn toàn so với trước đây là 600s, chỉ chiếm 1/5 số lao động, và nhà máy nhỏ hơn 10 lần.

 Tại Công ty Cổ phần Nam Hà sau khi áp dụng Kaizen tỷ lệ hàng sai lỗi giảm từ 8,8% còn 8,1%; hàng tồn trên chuyền giảm 25%; hàng tồn so với năng lực sản xuất giảm trung bình từ 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày; sản lượng bình quân tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.

Hay tại Công ty Xi măng Nghi Sơn áp dụng Kaizen liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm; Cải tiến điều kiện làm việc; Phát huy hoạt động của từng bộ phận, thu thập và truyền tải thông tin hai chiều từ lãnh đạo đến nhân viên….

Bà Hương cũng nhấn mạnh rằng, hãy nhớ việc đưa ra giải pháp không bao giờ có giới hạn luôn tồn tại một giải pháp nào đó tốt hơn.

Chương trình nhận được sự quan tâm của sinh viên tại các điểm trường. Nhiều câu hỏi đặt ra và nhận được câu trả lời xác đáng từ phía chuyên gia, báo cáo viên của Ủy ban, tạo nên không khí hào hứng và sôi nổi.

Nguồn: https://tcvn.gov.vn/dao-tao-kien-thuc-ve-tu-duy-cai-tien-lien-tuc-voi-cong-cu-kaizen-cho-sinh-vien-tai-cac-truong-dai-hoc-va-cao-dang/04/09/2024/

Liên kết