Đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo và xuất khẩu lao động
trình độ cao tại Hưng Yên
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hưng Yên nằm cách Thủ đô Hà Nội 64km về phía đông nam với tổng số dân trên 1,29 triệu người, lực lượng lao động trên 673.064 người (chiếm 52,14 % dân số), trong đó lao động nông nghiệp chiếm khoảng 21,35 %.
Số lượng doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh thường xuyên biến động. Đến nay, có 03 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Công ty CPTM Châu Hưng; Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Á Châu; Công ty cổ phần Nhân Đạt Kesa) và 58 đơn vị, doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động về địa phương tuyển chọn lao động. Phần lớn các doanh nghiệp này có trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh khác. Có 03 đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Việc tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp chủ yếu thông qua các hình thức như: tuyển qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh; các Hội, Đoàn thể (Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ...); tuyển trực tiếp tại các địa phương thông qua chính quyền cấp xã/phường, các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp và tại Công ty hay các văn phòng đại diện của Công ty; qua người thân, bạn bè giới thiệu.
1. Công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Tỉnh Hưng Yên xác định xuất khẩu lao động luôn là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, tăng tỷ trọng ngoại hối chuyển về từ người lao động đi làm việc ngoài nước, thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về các nội dung hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình và nguồn lực kinh phí của địa phương. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở các huyện, thị xã, thành phố nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, xã, các tổ chức đoàn thể và người lao động trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài; lồng ghép việc tư vấn, tuyên truyền vào hoạt động của các cơ quan, đoàn thể cấp huyện, xã tại địa phương; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông trên địa bàn với doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong công tác tạo nguồn; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, trong đó ưu tiên cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng.
Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các Chương trình như: EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc), Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan), Chương trình đưa điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức, Chương trình hộ lý Nhật Bản...
Từ năm 2012 đến năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên có 29.537 lao động đi làm việc ở trên 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với nhiều ngành nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao. Đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản; thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và theo hình thức đăng ký hợp đồng cá nhân. Số lượng người lao động cũng phân bố khác nhau ở các địa bàn, trong đó các thị trường có số lao động đi làm việc nhiều tại: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia,... Phần đông người lao động được các quốc gia và các doanh nghiệp nước sở tại đánh giá khéo tay, cần cù, nắm bắt nhanh công việc đảm nhận, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.
Đa số ngành, nghề, việc làm theo yêu cầu của nước ngoài thường đòi hỏi trình độ không cao nên phù hợp với khả năng lao động nông thôn như: xây dựng; giày da, may mặc; giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh hoặc người già yếu, tàn tật (hộ lý); nông nghiệp; điện tử… Một số quốc gia có nhu cầu ngành, nghề kỹ thuật cao nhưng chưa đáp ứng được. Lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh tập trung vào các đối tượng lao động khu vực nông thôn, ngành nghề trước khi đi lao động xuất khẩu là lao động nông nghiệp, lao động là học sinh sau tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, bộ đội xuất ngũ,…
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động có việc làm với thu nhập cao, giảm được chi phí đầu tư của Nhà nước cho đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở trong nước đồng thời tăng thu ngoại tệ cho địa phương. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan, hàng năm người lao động đi xuất khẩu lao động gửi ngoại hối về gia đình và địa phương khoảng 20 triệu USD, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gia đình. Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn được nâng cao tay nghề, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới và phương pháp quản lý tiên tiến, được rèn luyện tác phong và kỷ luật lao động công nghiệp, sau khi hết hạn hợp đồng về nước, nhiều lao động đã được tuyển dụng vào làm việc tại một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Sau khi đi làm việc ở nước ngoài về, người lao động được nâng cao tay nghề, tích lũy được vốn, kiến thức, kỹ năng làm việc, một bộ phận tiếp tục tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thường tập trung vào đối tượng giúp việc gia đình tại Đài Loan và các lao động trẻ); một bộ phận đầu tư sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, chuyển đổi sang các công việc khác có thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp.
Ngoài ra các doanh nghiệp còn thực hiện việc tuyển chọn qua trung gian, qua các đầu mối đại diện của doanh nghiệp. Với mỗi hình thức tuyển chọn, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ đối với nhà nước cũng như người lao động trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo sự công khai, minh bạch khi tuyển chọn lao động.
Căn cứ vào các đơn hàng tuyển lao động đã được Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp làm việc với địa phương, các cơ sở đào tạo, trung tâm dịch vụ việc làm để tổ chức tuyên truyền, thông tin về đơn hàng, tư vấn để đăng ký xuất khẩu lao động. Hoạt động tuyển chọn, đào tạo của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, phối hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và chính quyền các cấp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cho công tác xuất khẩu lao động trình độ cao trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên cần thực hiện một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh hoạt động tạo nguồn lao động từ địa phương và công tác phối hợp trong đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cho lao động được tạo nguồn giữa doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động và Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương; hướng dẫn, tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng liên kết với các cơ sở đào tạo để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài yêu cầu; đưa giáo viên tiếng Nhật, Hàn... vào dạy tại các trường cao đẳng, trung cấp cho học sinh, sinh viên, tư vấn, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường phù hợp; phân tích, dự báo thị trường lao động (cập nhật cơ sở dữ liệu cung lao động; khảo sát nhu cầu lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài,…) để định hướng đào tạo, nâng cao chât lượng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động.
Xây dựng phương án thí điểm dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên có nhu cầu, đủ điều kiện để khi ra trường có thể tham gia ngay vào thị trường xuất khẩu lao động.
Chú trọng kết nối nguồn cung trong nước và nguồn cầu ở nước ngoài, để đưa ra dự báo, chiến lược dài hạn, ngắn hạn và từng ngành nghề, từng lĩnh vực mà nguồn cầu cần. Lựa chọn thị trường lao động phù hợp với đặc tính của người lao động, để tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Chỉ đạo các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở thực hiện tốt công tác tạo nguồn, dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và giải quyết các rủi ro đối với người lao động; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể địa phương như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh để tổ chức các hội nghị tọa đàm, tư vấn và tuyển chọn lao động đúng theo quy định; đẩy mạnh việc khai thác các thị trường mới, ổn định, có thu nhập cao và đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài; giảm tuyển lao động theo các đơn hàng, hợp đồng có thu nhập thấp, rủi ro cao, việc làm không ổn định.
2. Công tác đào tạo nghề đối với lao động
Năm 2022 toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 52.550 người, đạt 105,1% kế hoạch năm, tăng 9,5% so với năm 2021; trong đó, số lao động ở khu vực nông thôn khoảng 44.000 người (chiếm tỷ lệ 84,6%). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 92%.
Hoạt động đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; lao động đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; lao động nông thôn;.... được triển khai thực hiện kịp thời và đem lại hiệu quả.
Đến hết năm 2022, tốt nghiệp 45.250 người, chia theo trình độ: trình độ cao đẳng 1.770 người; trình độ trung cấp 2.480 người; trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề nghiệp dưới 3 tháng 41.000 người, đạt 100% kế hoạch năm.
Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, 100% cơ sở đào tạo đã thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của doanh nghiệp, có doanh nghiệp tham gia trong các khâu trong đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng lao động sau đào tạo.
Thực hiện nâng cao năng lực cơ sở giáo dục nghề nghiệp như đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo điều kiện đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục chủ động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; cử nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề. 100% cơ sở đào tạo đã ứng dụng công nghê thông tin trong đào tạo và giảng dạy. 100% các trường cao đẳng, trung cấp đã biên soạn, áp dụng chương trình đào tạo kỹ năng mềm trong doanh nghiệp nhằm cung cấp cho học sinh , sinh viên kiến thức cơ bản trước khi tham gia lao động sản xuất trong doanh nghiệp. 100 % các trường cao đẳng thực hiện xây dựng, vận hành, đánh giá, và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo thường xuyên thực hiện việc đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường trung cấp và cao đằng đều xây dựng kế hoạch đưa học sinh, sinh viên đi thực tập và trải nghiệm trong doanh nghiệp.
Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tham gia thẩm định 15 chương trình đào tạo nghề trình độ cao đẳng tại 03 trường; 12 chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp tại 03 trường. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đào tạo 10 nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng.
Thực hiện hoạt động tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, tư vấn học nghề và việc làm đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: Xây dựng các phóng sự, chuyên đề, bản tin phát hành định kỳ hàng tháng. Tổ chức Ngày hội “Tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động” với sự tham gia của 08 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trên 30 doanh nghiệp; trên 1.000 lượt học sinh, sinh viên, người lao động; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức trên 100 phiên “Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp” cấp cơ sở với trên 5.000 lượt học sinh và người lao động tham gia. Tổ chức và tham gia các hội thi kỹ năng nghề cấp cơ sở, cấp tỉnh và quốc gia các thì sinh tham dự đều đạt thành tích cao.
Để nâng cao hiệu quả cho công tác đào tạo cho lao động trình độ cao trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên cần: Ban hành nhiều chính sách và cơ chế thông thoáng để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường bố trí nguồn lực để thực hiện đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực Lao động, Việc làm, Giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường thực hiện công tác phân luồng đào tạo học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông, đảm bảo tỷ lệ học sinh vào học nghề.