Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên thăm mô hình nuôi cà ra sông trong ao

Ngày 16/9/2022, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng phòng Kinh tế - Hạ tầng; Phòng Nông nghiệp và PTNT; Hội Nông dân huyện Phù Cừ đã tới thăm và làm việc trực tiếp với HTX Thủy sản Hưng Phát tại Thôn Quang Xá, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên về mô hình nuôi cà ra sông trong ao và một số mô hình sinh sản thủy sản tại HTX.

 

   

Cà ra là tên gọi của một loài cua, còn gọi là cua lông, là loại đặc sản được xếp vào hàng sang chảnh và ở Việt Nam hiện nay mới rộ lên phong trào săn lùng cua này để thưởng thức bởi nó là đặc sản sống trên sông ở một số tỉnh phía Bắc. Đây là loài cua nước ngọt, con to nhất cũng chỉ lên đến 2 lạng, hai bên càng có đám lông đen (hoặc nâu, hơi vàng... tùy mùa), mịn, mượt - chỉ có ở sông Hồng khu vực Hà Nội và các sông của một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... (đồng bằng Bắc bộ).

      

Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác. Hương vị của nó cũng giống như cua dẹp, “Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là thời điểm cua cà ra vào mùa nhưng chúng thực sự rộ nhất là vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Đây là thời gian cua cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Mùa cua cà ra bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Là giống phát triển tự nhiên, cà ra có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cà ra rang me, cà ra hấp…, nhưng món ăn độc đáo, lạ nhất có lẽ là lẩu cà ra. Nấu lẩu cà ra cũng thật đơn giản. Nước lẩu thơm ngon, vàng óng có vị chua thanh dịu và vị ngọt của gạch cà ra. Không gì tuyệt vời bằng khi được thưởng thức thịt cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nóng hổi. Cà ra được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống. Do vỏ cà ra mềm nên rất nhanh chín và khi thưởng thức không cần dùng đến kìm kẹp như khi ăn cua, ghẹ, cù kỳ... Ngoài món cà ra rang me hoặc om lá lốt, thì vặt bộ càng và chân cà ra rồi giã nhỏ nấu canh rất ngọt, thơm, béo.

Cà ra chỉ sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên, trên các con sông và thường làm hang ở chỗ nước sâu hay trong các kè đá, có tập tính đi ăn đêm.

Hiện nay, cà ra chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên không đủ cung cấp ra thị trường trong khi giá bán lại cao cho nên để đáp ứng nhu cầu thị trường rất nhiều hộ dân trong xã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Việc nuôi cà ra thương phẩm giúp tận dụng được tối đa diện tích ao nuôi và nguồn thức ăn, hiệu quả kinh tế cao hơn các đối tượng nuôi truyền thống khác.

          Mô hình “Nuôi Cà ra sông trong ao” tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên được Hội đồng KH&CN huyện Phù Cừ thực hiện với quy mô 3.600m2 tại 07 hộ.

         

Qua thăm quan mô hình cho thấy được giống cà ra được thu tự nhiên từ người dân bắt tại sông về nuôi thuần dưỡng ban đầu tại HTX Thủy sản Hưng Phát rùi chuyển qua ao nuôi của các hộ dân với môi trường tương tự môi trường tự nhiên của cà ra và được nuôi theo quy trình nuôi cua kết hợp với kinh nghiệm nuôi thủy sản của HTX và của các hộ dân.

Đến nay cho thấy cà ra giống được thu mua về nuôi thuần dưỡng bước đầu tại HTX Thủy sản Hưng Phát sau đó chuyển ra nuôi tại các hộ dân đã bước đầu đảm bảo tỉ lệ sống trê 80%, cà ra lớn nhanh, khỏe, nhanh nhẹn. Thức ăn hiện tại chủ yếu là xác các loại cá nhỏ được thu mua về rùi cho cà ra ăn trực tiếp.

Trao đổi với Đoàn thăm quan, KS. Lưu Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết, với giống cà ra này hiện chưa chủ động được nguồn giống vì chưa  cho sinh sản nhân tạo được, nguồn giống vẫn chủ yếu được bắt ngoài tự nhiên sông Hồng, sông Luộc bằng lưới Bát quái. Chưa có quy trình kỹ thuật chuẩn để nuôi giống cà ra này, chủ yếu vẫn nuôi theo kinh nghiệm, vừa nuôi vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm.

     

KS. Lưu Văn Dũng cũng cho biết, giống cà ra này khỏe mạnh, nhanh và tập tính ăn đêm, ăn sâu nên rất khó khăn trong khâu chăm sóc, với tập tính trú ngụ, đào hang khó khăn hơn trong công tác quản lý và chăm sóc.

   

Phát biểu tại thực địa, ThS. Trần Tùng Chuẩn đánh giá rất cao việc thực mô hình nuôi cà ra sông trong ao, bởi đây là loại đặc sản của địa phương cùng với cá mòi nổi tiếng, lại là giống tự nhiên, chưa chủ động được nguồn giống do chưa cho sinh sản được. Việc ứng dụng nhanh khoa học công nghệ vào xây dựng mô hình nuôi thủy sản đặc sản này cần được ưu tiên, mở rộng, nó không  những mang ý nghĩa về khoa học, thực tiễn, ý nghĩa xã hội cao mà khi mô hình thành công sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

ThS. Trần Tùng Chuẩn đề nghị Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), Hội đồng KH&CN và HTX Thủy sản Hưng Phát tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực hiện tốt mô hình nuôi cà ra sông trong ao. Bên cạnh đó cần phối hợp với các Viện Nuôi trồng thủy sản, các trung tâm nghiên cứu, các trại giống và các nhà khoa học sớm nghiên cứu, hoàn thiện quy trình cho sinh sản giống cà ra sông này, bên cạnh đó tổng kết rút kinh nghiệm hoàn thiện quy trình bước đầu nuôi cà ra thương phẩm trong ao để khuyến cáo cho người dân áp dụng.

Trường Long.

Liên kết