Giám đốc Sở KH&CN thăm vườn trồng nhãn VietGAP tại thành phố Hưng Yên

Ngày 5/8/2022, đồng chí ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng với TS. Nguyễn Việt Hưng – Chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả; Lãnh đạo phòng Kinh tế - Thành phố Hưng Yên và phòng chuyên môn của Sở đã thăm các vườn nhãn lồng 2022 kết hợp làm việc với Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yê), tại hộ ông  Bùi Xuân Tám - Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, nơi có giống nhãn “Cùi cổ” đầu tiên ở Hưng Yên.

     

Trao đổi với Đoàn, ông Bùi Văn Tám cho biết: Hiện nay, HTX nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có 4 sản phẩm OCOP; trong đó, sản phẩm long nhãn và mật ong hoa nhãn xếp hạng 4 sao; sản phẩm hạt sen và bột sắn dây xếp hạng 3 sao. Để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất, HTX đã liên kết với các thành viên trong HTX và người dân trồng nhãn quanh khu vực nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương. Do đó, các sản phẩm nông sản sau chế biến của HTX đã có mặt ở nhiều địa phương và sàn thương mại điện tử trên cả nước. Do chủ động được nguồn nguyên liệu nên chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu hiện có 26 thành viên với diện tích trồng nhãn 90ha chia làm 3 vùng trồng (vùng 1: 30ha; vùng 2: 40ha và vùng 3 là 20ha); sản lượng quả năm nay đạt 220 - 300 tấn.

Ông Tám cũng cho biết, HTX đã và tiếp tục hỗ trợ các thành viên, người dân áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tốt, tạo ra những sản phẩm uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Chính vì sản phẩm nhãn của HTX ngon, đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, năm nay, nhãn của HTX được bán trên sàn Thương mại điện tử Voso.vn và Facebook, Zalo,… Hiện nay đang vào mùa chính vụ nên việc ứng dụng nền tảng xã hội số để phát triển thêm kênh tiêu thụ nhãn là cần thết với giá bán bình quân đạt từ 28.000 - 30.000 đồng/kg (hiện tại chủ yếu là tiêu thụ nhãn Hương Chi).

Trở lại với giống nhãn “Cùi cổ” ông Tám cho biết, đây là giống nhãn được chọn lọc tự nhiên và được phát hiện tại vườn vào trước những năm 1990 với chất lượng nhãn ngon, vỏ quả nhãn dày cứng, có màu vàng sáng, nhẵn, cùi có màu trắng đục vân thứa dọc theo cùi, cùi dày, phần cuối của quả cùi được xếp lồng lên nhau,  ăn có vị ngọt sắc, giòn tan (không dai), ăn xong có hậu vị hương mật ong ở cổ họng; giai đoạn ra hoa đậu quả non chùm hoa có màu tím hơn so với các giống nhãn khác, quả có lông đến khi quả đạt kích thước như hạt đậu đen thì lông rụng hết. Đặc biệt giống nhãn này có thể giữ được độ chín 18-22 ngày tự nhiên trên cây mà không bị “mất nước” và không bị khô đầu cùi như những giống nhãn khác. Nhãn đạt từ 56-70 quả/kg, giá bán 50.000 – 80.000 đồng/kg, năng suất nhãn quả cao do nhãn ra hoa, đậu quả “rất ngoan”, dễ chăm sóc bằng phương pháp chiết cành hoặc ghép mắt.

Phát biểu với nhà vườn, TS. Nguyễn Việt Hưng cho biết đây là giống nhãn quý được chọn lọc tự nhiên, cần phải đánh giá (cảm quan và phân tích chất lượng) quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng quả,… trên cơ sở đó bình tuyển và đặt tên cho giống để có những hình thức mở rộng diện tích nhãn quý này ra sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá rất cao về giống nhãn “Cùi cổ” này và ghi nhận những hoạt động của HTX trong quá trình xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh nhãn lồng theo VietGAP với 90ha được chia làm 3 vùng sản xuất, phù hợp với quy định trong phát triển chỉ dẫn đại lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên (trước đó Ngày 23.1.2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ra Quyết định số 186/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00055 cho sản phẩm Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý. Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này).

Đối với giống nhãn “Cùi cổ” đồng chí Trần Tùng Chuẩn đề nghị chủ hộ ông Bùi Văn Tám và HTX nhãn lồng Nễ Châu cần thực hiện phát triển giống nhãn này thay thế những giống nhãn kém hiệu quả của địa phương, của HTX theo lộ trình cụ thể: cần phân tích, đánh giá chất lượng, sự khác biệt của giống, bình tuyển và đặt tên cho giống theo quy định. Sau đó công bố lưu hành giống và xây dựng các mô hình ứng dụng, triển khai mở rộng diện tích trồng và ghép cải tạo các vườn nhãn kém hiệu quả.

Trên cơ sở đó cần nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng và nhất là các khâu chăm bón, tỉa hoa, quả để tăng kích thước quả lên so với hiện nay. Bên cạnh đó cần tiếp tục ứng dụng các nền tảng số, các cửa hàng trực tuyến như Sen đỏ, Voso.vn và Facebook, Zalo,… để quảng bán, tiêu thụ sản phẩm,… đồng thời kết hợp mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với nhãn và sen của Hưng Yên trong thời gian tới.

Trường Long.

Liên kết