Ngày 17/2/2023, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã tới thăm trực tiếp mô hình Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải và phụ phẩm chăn nuôi thành giá thể cây trồng, tỉnh Hưng Yên.
Hiện nay Hưng Yên đang trên đà phát triển với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ, tiến tới sản xuất hữu cơ với những sản phẩm đến người tiêu dùng an toàn, sạch. Đã thực hiện nhiều các mô hình khoa học và công nghệ như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất rau, cây ăn quả theo VietGAP, chăn nuôi theo VietGHAP, sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh theo hướng hữu cơ,… đã dần hình thành trong phương thức sản xuất của người dân Hưng Yên.
Đặc biệt hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng lại đang gặp phải vấn nạn là ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường trong chăn nuôi mặc dù nhiều trang trại đã được đưa ra khỏi khu dân cư và ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường tốt. Tuy nhiên, Hưng Yên hiện nay vẫn tồn tại mô hình chăn nuôi nông hộ, đặc biệt là chăn nuôi lợn, trâu bò theo kiểu nông hộ vẫn còn tồn tại nhiều trong dân, việc xử lý nguồn chất thải chăn nuôi hiện nay chưa được thực hiện triệt để. Chỉ nói riêng chăn nuôi trâu bò hiện nay với 4.670 chủ yếu thải chất thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Việc ứng dụng Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải và phụ phẩm chăn nuôi thành giá thể cây trồng được thực hiện tại thôn Phú Khê, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên với diện tích nhà xưởng 500m2. Dây chuyền máy móc, gồm: 01 máy băm, 01 máy nghiền, 01 máy trộn lồng ngang 2 trục, 01 máy trộn vi sinh 2 chiều, 01 bồn thủy phân, 01 máy vít tải và một số trang thiết bị cần thiết khác. Nhằm tận dụng nguồn chất thải và phụ phẩm chăn nuôi để sản xuất giá thể cây trồng, vừa đáp ứng nhu cầu về vật tư phục vụ sản xuất, vừa góp phần thiểu ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó tạo ra sản phẩm giá thể cây trồng có chất lượng, phù hợp với nhu cầu sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, nhất là các loại rau, cây ăn quả, cây cảnh. Đơn vị trực tiếp ứng dụng chuyển giao sản xuất là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ nông nghiệp Việt Nam (FTV) thực hiện.
Thông qua giải pháp về công nghệ, công ty này đã có những phương thức xử lý hiệu quả giảm bớt gánh nặng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường với quy trình công nghệ xử lý phân trâu bò sấy khô đảm bảo ở độ ẩm 30% sau đó bổ sung nguồn chất khoáng và các vi sinh vật tạo ra một sản phẩm phân bón hữu cơ và giá thể thông minh cho sản xuất nông nghiệp.
Thăm và phát biểu tại mô hình, ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao mô hình ứng dụng này, với công nghệ hiện có và đã sản xuất được các thành phẩm có chất lượng như hiện nay, giải quyết được nhiều mục tiêu là giảm bớt được chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, đồng thời có tác dụng cải tạo đất, tạo đất sản xuất phì nhiêu.
ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đề nghị HTX nông nhiệp Thọ Vinh, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu ứng dụng chế phẩm phân hữu cơ này vào sản xuất nông nghiệp nhất là trên lúa, cây rau màu và cây ăn quả của Hưng Yên. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gom, thu mua nguồn nguyên liệu đầu vào từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; kết hợp đề xuất xây dựng xưởng sản xuất quy mô phù hợp với điều kiện sản xuất và thị trường sử dụng phân hữu cơ của Hưng Yên nói riêng, trong và ngoài nước nói chung.
Đồng chí Trần Tùng Chuẩn cũng hứa sẽ đồng hành với doanh nghiệp về lĩnh vực khoa học, đổi mới công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất, công nghệ ứng dụng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo quy định để sớm đưa Hưng Yên sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững trong thời gian tới./.
Bùi Tân Việt – Trường Long.