Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi giun quế tại huyện Kim Động, Hưng Yên
Ngày 16/12/2021 tại mô hình nuôi giun quế của đ/c Nguyễn Thành Luân – Bí thư Chi đoàn thôn Nho Lâm – xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành hội thảo thăm quan mô hình nuôi giun quế cho hiệu quả cao.
Đ/c Trần Tùng Chuẩn – TUV, GĐ Sở KH&CN cùng Đ/c Vũ Hồng Luyến – Bí Thư Tỉnh đoàn thăm mô hình
Dự và chỉ đạo Hội nghị có ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đ/c Vũ Hồng Luyến – Bí thư Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh Hưng Yên; các đồng chí là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Đ/c Trần Tùng Chuẩn – TUV, GĐ Sở KH&CN thăm mô hình
Tại hội nghị các đại biểu đã tham quan mô hình nuôi giun quế sinh sản và thương phẩm của anh Nguyễn Thành Luân đều có chung một tâm trạng phấn khởi bởi sự hăng hái, nhiệt huyết của thanh niên trong lập nghiệp và khởi nghiệp thành công, hiệu quả ngay tại quê hương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch covid hoành hành như hiện nay.
Các đại biểu thăm quan mô hình nuôi giun
Theo anh Luân cho biết thì “Nuôi giun quế trong trang trại có nhiều lợi ích, nó vừa làm thức ăn cho vật nuôi và cũng đồng thời là một nhà máy xử lý phân hiệu quả nhất, đồng thời lại là nguồn phân bón chất lượng cao có thể bón cho các cây trồng từ nhưng cây trồng đơn giản đến những cây trồng khó tính như cây cảnh, lan,…”.
Các đại biểu thăm quan mô hình nuôi giun
Là một cán bộ Đoàn tại thôn Nho Lâm thuộc xã thuần nông vùng bãi trước đây chủ yếu trồng dong riềng (bã thải sau khi chế biến các sản phẩm chế biến từ dong riềng gây ô nhiễm môi trường), sau đó chuyển trồng chuối tiêu hồng, tuy nhiên hiệu quả trồng chuối không cao bởi chuối không thể thâm canh nhiều năm vì dễ nhiễm bệnh lại phụ thuộc vào thời tiết và thị trường tiêu thụ, nên anh Luân đã quyết định đầu tư sang mô hình nuôi giun quế.
Mô hình trang trại nuôi giun quế
Được sự giúp đỡ của Tỉnh Đoàn thanh niên, huyện Đoàn và Đoàn xã kết nối anh Luân với khoa học và được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ mô hình nuôi giun quế như hiện nay. Hiện anh đã xây dựng 1.200m2 nhà lưới kiên cố và nuôi giun trên diện tích 1.000m2 với hệ thống bể chứa, pha, chế biến thức ăn cho giun từ phân trâu bò đến hệ thống tưới giữ ẩm tự động để nuôi giun cùng hệ thống mái che giảm cường độ ánh sáng phù hợp với điều kiện cho giun quế phát triển.
Đại biểu thăm kỹ thuật nén phân giun quế
Kết quả chỉ sau 06 tháng triển khai hỗ trợ, bước đầu anh đã thu được 05 tấn giun giống cung cấp cho người dân chăn nuôi giun với giá 12.000 đồng/kg cho thu 60 triệu đồng; 01 tấn giun thành phẩm cho thu 50 triệu đồng. Bên cạnh đó kết hợp xử lý phân nén từ phân giun cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn với 50 tấn phân thành phẩm bán ra thị trường thu 150 triệu đồng; sản xuất được 500 kg phân nén thu 10 triệu đồng và 50 lít dịch giun thu 5 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau thời gian rất ngắn hoàn thiện và tiến thành nuôi giun đã cho thu 275 triệu đồng. Với hướng phát triển này, giun sẽ tiếp tục tăng về sinh khối và cho hiệu quả cao trong thời gian tới. Theo anh Luân, gia đình đang tiếp tục xây dựng và mở mô hình trong thời gian tới.
Đại biểu đánh giá chất lượng phân giun sau ép
Tại buổi tham quan, các đại biểu đã đánh giá rất cao hiệu quả từ mô hình. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá cao chất lượng của mô hình và nghi nhận hiệu quả và giá trị các sản phẩm đầu ra của mô hình; đặc biệt là việc giải quyết vấn nạn về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại địa phương.
Đại biểu trao đổi hiệu quả mô hình
Đ/c Trần Tùng Chuẩn đã ghi nhận và đánh giá cao mô hình khoa học được thực hiện bởi đồng chí Nguyễn Thành Luân, Bí thư Chi đoàn thôn Nho Lâm, xã Mai Động, huyện Kim Động là một trong những mô hình khởi nghiệp hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh covid đang bùng phát như hiện nay. Mô hình này là sự mạnh dạn khởi nghiệp ngay tại địa phương mình, không những cho hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xử lí chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trâu, bò và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Các sản phẩm của trại giun quế như phân giun và giun thương phẩm, dịch giun quế được sử dụng sản xuất ra các sản phẩm sạch hướng hữu cơ như rau, củ, quả, chăn nuôi lợn, gà, hoa cây cảnh… góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm tới tay người tiêu dùng.
Đ/c Trần Tùng Chuẩn đánh giá khả năng phát triển thị trường cho các sản phẩm từ giun quế
Phát biểu tại buổi thăm quan, đồng chí Vũ Hồng Luyến – Bí thư Tỉnh đoàn mong rằng sẽ tiếp tục cùng khoa học và công nghệ phối hợp chặt chẽ trong xây dựng phong trào khởi nghiệp của thanh niên và tiếp tục nhân rộng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất; kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm giúp cho đoàn viên, thanh niên mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đánh giá hiệu quả mô hình
Đ/c Trần Tùng Chuẩn hy vọng rằng từ mô hình này sẽ chuyển giao và mở rộng sang các mô hình khởi nghiệp khác ở các địa phương khác nhằm nâng cao phong trào khởi nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đ/c cũng hứa rằng khoa học và công nghệ sẽ cùng đồng hành với những công trình khoa học, những mô hình hay, mô hình hiệu quả và phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo của thanh niên nói chung trong toàn tỉnh cũng như của từng địa phương.
Nguyễn Trường Long