HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN HÓA, NÂNG CAO NĂNG SUẤT,
CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY
TIÊU CHUẨN THẾ GIỚI 14/10/2022 TẠI TỈNH HƯNG YÊN
Ngày nay cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, Việt Nam ngày càng tham gia hợp tác quốc tế sâu rộng về thương mại với các nước trong khu vực và quốc tế. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường trong và ngoài nước.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) năm 2007 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành với quy định còn thiếu tính đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Luật TC&QCKT được ban hành đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Sau khi Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn việc xây dựng QCVN và QCĐP có hiệu lực, các bộ ngành, địa phương đã tích cực chủ động xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý. Qua đó phần nào đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tạo bước tiến rõ rệt về năng suất, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ trong nước, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng nền kinh tế; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch và thương mại. Tiêu chuẩn hỗ trợ cho thị trường và thúc đẩy các giao dịch có hiệu quả để đáp ứng các mục tiêu liên quan đến các vấn đề sức khoẻ, an toàn và môi trường, phản ánh nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hoặc phản ánh các yêu cầu về mặt công nghệ của nhà sản xuất.
Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao nǎng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ban hành trên 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tỷ lệ 60% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến nay, về công tác xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) tỉnh Hưng Yên đã ban hành 02 Quy chuẩn kỹ thuật địa phương gồm:
- QCĐP 01 :2019/HY- Quy chuẩn địa phương về nước thải sinh hoạt;
- QCĐP 02 :2019/HY- Quy chuẩn địa phương về nước thải công nghiệp;
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên đang tham mưu lập kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về quản lý nước sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sản phẩm rượu thủ công.
Việc thực hiện các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã từng bước đi vào nề nếp, có sự phân cấp rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý; các sở, ngành được phân công, phân cấp quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã từng bước nắm vững, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh về việc xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Giai đoạn năm 2015-2021, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh giải quyết hồ sơ và ban hành 456 bản thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, 137 bản thông báo tiếp nhận bản công bố hợp chuẩn, 2.323 bản đăng ký kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu của 30 doanh nghiệp trung bình mỗi năm.
Việc triển khai thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhìn chung vẫn là một lĩnh vực mới, khó tiếp cận, triển khai đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và một số cơ quan quản lý chuyên ngành nhất là hoạt động xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng; chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và công bố hợp chuẩn; chứng nhận phù hợp và công bố hợp quy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số phòng thử nghiệm của doanh nghiệp được công nhận, chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nội bộ, chưa có đơn vị, tổ chức có năng lực đánh giá sự phù hợp, làm dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thông dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Về công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được tăng cường; thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ tương ứng với các loại hàng hóa khác nhau, các vụ việc vi phạm được xử lý kịp thời, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cũng như ngăn chặn các hành vi gian lận về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; đồng thời lồng ghép công tác thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa đến các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng được biết để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Giai đoạn năm 2015-2021, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh đã chủ động kiểm tra và tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN, các cơ quan liên quan (Cục quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Cục Quản lý thị trường tỉnh ...) kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường: Kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất tại 286 đơn vị; Kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông thị trường tại 644 đơn vị; Phối hợp kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông thị trường tại 608 đơn vị; Đề nghị xử phạt 32 đơn vị và đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt với tổng số tiền 481,118 triệu đồng.
Nhằm thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người quản lý doanh nghiệp về hoạt động tiêu chuẩn hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hưởng ứng Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2022 theo Công văn số 2672/TĐC-TCCL ngày 19/9/2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với chủ đề “Tiêu chuẩn phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Ngày 10/10/2022, tại Hội trường khách sạn Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học “Hoạt động tiêu chuẩn hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10/2022” với trên 90 đại biểu gồm đại diện các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động về tiêu chuẩn hóa, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ảnh: Đ/c Trần Tùng Chuẩn - TUV, GĐ Sở KH&CN HY phát biểu tại hội thảo
Qua buổi hội thảo Ông Trần Tùng Chuẩn trân trọng đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN thực hiện các hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh./.
Tác giả: Lê Thi Lụa - Chi cục TCĐLCL