Sáng ngày 25/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng chủ trì hội thảo.
Pause
00:00
00:10
00:39
Unmute
Cùng dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các ban đơn vị cơ quan Trung ương Hội; các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân 22 tỉnh, thành phố.
4 khó khăn, thách thức của nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; các cấp Hội Nông dân trong cả nước thời gian qua đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động của Hội.
hó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh 4 khó khăn, thách thức của nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp, KH&CN, tranh thủ các dự án quốc tế tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Các cấp Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng số; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kỹ năng livestream, xây dựng video; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử…
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm biết: Hiện nay, ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được nông dân giỏi áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN tổ chức Hội thảo khoa học cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cũng chỉ ra 4 vấn đề về khó khăn, hạn chế, thách thức liên quan tới người nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đó là: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế nên người nông dân chưa chủ động học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số.
Thứ 2: Để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân cần có kiến thức, kỹ năng về công nghệ và quản lý dữ liệu. Trong khi đó, trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp.
Thứ 3: Chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm việc hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, chi phí ban đầu có thể là một thách thức đối với nhiều nông dân, đặc biệt là ở các khu vực nông nghiệp nhỏ và cơ sở hạ tầng kém phát triển nên chưa khích lệ, thúc đẩy nông dân, hợp tác xã thực hiện.
Thứ 4: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, trình độ khoa học kỹ thuật của nông dân hạn chế, vì thế sự chuyển đổi thái độ, chấp nhận và thích nghi với các công nghệ mới có thể là một thách thức.
Chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân, HTX tại hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp về số hóa trong nông nghiệp nhằm chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ông Đặng Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Bộ NNPTNT cho rằng có 3 hoạt động Hội Nông dân cần thực hiện.
Ông Đặng Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Bộ NNPTNT đã trình bày tham luận thực trạng hiện nay và những vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp người nông dân cần quan tâm thực hiện.
Theo ông Đặng Duy Hiển, có 3 hoạt động Hội Nông dân cần thực hiện đó là: Khai thác dữ liệu từ hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NNPTNT phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hỗ trợ các hội viên, nông dân công cụ truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các HTX; tập huấn, đào tạo, hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc với hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Đối với người nông dân có 5 hoạt động cần thực hiện, đó là: Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc; công dân số; tham gia các HTX; tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; tham gia hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất.
TS Vũ Quế Anh, đại diện Vụ KH&CN, các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN chia sẻ về vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc.
Còn TS Vũ Quế Anh, đại diện Vụ KH&CN, các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết: Theo thống kê, hiện mới có 38/63 địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan liên quan đã tập trung xác định những nhiệm vụ cần triển khai, phương án và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức trong tiến hành các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, còn hạn chế trong việc quản lý các sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam (do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam) bảo đảm an toàn cho người sử dụng ở thị trường trong nước và nước ngoài cũng như thiếu thống nhất nguyên tắc, phương thức truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa nâng cao quản lý chất lượng, an toàn, vệ sinh sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ.
Nông nghiệp số nhìn từ Hà Lan
Sau chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan vừa qua của đoàn công tác Trung ương Hội, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày vấn đề nông nghiệp số tại Hà Lan tại hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày vấn đề nông nghiệp số tại Hà Lan tại hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 thế giới; giá trị nông sản xuất khẩu đạt 100 tỷ EUR/năm. 100% nông dân Hà Lan đều ghi chép và lưu giữ hồ sơ về các hoạt động sản xuất, 100% vật nuôi được đăng ký kỹ thuật số (định danh). Nông nghiệp số ở Hà Lan canh tác chính xác thông qua hệ thống cảm biến; máy bay không người lái; ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc; công nghệ phân tích đất trong trồng trọt, thức ăn chăn nuôi.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh ở Bắc Giang đã chia sẻ về thực tế của HTX khi ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết: HTX hữu cơ Bình Minh có 4 trang trại với tổng diện tích khoảng 4,5 ha; quy mô trang trại có 1.000 con lợn nái, 10.000 con lợn thương phẩm. Hiện nay HTX áp dụng chuyển đổi số từ khâu chế biến rồi quay ngược lại khâu chăn nuôi.
Theo đó, việc quản lý sản xuất các sản phẩm chế biến như thịt lợn, giò lụa, chả lụa và xúc xích heo thảo dược... được gắn 34 mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thông qua đó, người tiêu dùng nắm được các thông tin chi tiết của từng sản phẩm, từ đó tạo ra tính minh bạch của sản phẩm, tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.
Công tác quản lý hệ thống trang trại được thực hiện toàn bộ trên hệ thống phần mềm quản lý trang trại từ đó HTX theo dõi được toàn bộ hoạt động của trang trại như: thông tin chi tiết về từng con vật (số hiệu, phả hệ, giống, tuổi, trạng thái sức khỏe ...), lập lịch theo dõi và ghi chép quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi tiêm chủng phòng trị bệnh của đàn lợn.
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, HTX chăn nuôi ngày càng hiệu quả. Doanh thu mảng giết mổ, chế biến thịt năm 2023 đạt khoảng 41 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 11 lao động chính thức và 31 công nhân thời vụ với mức lương bình quân đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh ở Bắc Giang đề xuất các chính sách về tín dụng hỗ trợ các HTX, người nông dân mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc
HTX cần các chính sách về tín dụng hỗ trợ chuyển đổi số
Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh ở Bắc Giang cũng chỉ ra những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách để áp dụng vào HTX, chi phí hạ tầng ban đầu cho hệ thống áp dụng chuyển số và truy xuất nguồn gốc còn cao so với quy mô sản xuất của HTX. Bên cạnh đó khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần có sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo.
"Các chính sách và giải pháp về chuyển đổi số đã có nhiều nhưng điều cốt lõi là người nông dân ứng dụng như thế nào? Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách về tín dụng hỗ trợ các HTX, người nông dân mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giá những giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai cần hỗ trợ công tác đào tạo trang bị cho người nông dân những kiến thức về chuyển đổi số và hệ thống truy xuất nguồn gốc. Thứ ba cần có các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng nông thôn để người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận nhanh hơn với chuyển đối số" -Giám đốc HTX hữu cơ Bình Minh ở Bắc Giang đề nghị.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận, đánh giá cao những phát biểu ý kiến của các đại biểu tại hội thảo. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Thực hiện Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo rất quyết liệt và đầu tư chuyển đổi số nông nghiệp ở cấp tỉnh trước rồi nhân rộng, trước mắt Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay cơ hội về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp của nông dân rất lớn. Trong đó, cơ hội về nhu cầu của người dùng và người sản xuất về truy xuất nguồn gốc hiện nay rất nhiều.
Bên cạnh những cơ hội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng chỉ ra thách thức đó là sản xuất manh mún, chúng ta có 9,6 triệu hộ gia đình nhưng có đến 24 triệu mảnh ruộng. Tư duy và thói quen trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và khả năng ứng dụng công nghệ rất thấp. Thứ 3, chi phí ứng dụng chuyển đổi số cao nhưng lợi ích không rõ ràng.
"Chúng ta phải xác định chuyển đổi số khác với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề đặt ra là quy trình và cách làm. Làm thế nào để trong 1 khai báo truy xuất nguồn gốc, người nông dân phải khai báo ít nhất. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam"- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh tuyên tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất. "Muốn chuyển đổi số trong nông nghiệp phải có nông dân số" - Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nói.
Nguồn: https://danviet.vn/