Hội nghị thăm quan mô hình “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” trong sản xuất lúa Gia Lộc 516 theo chu

Hội nghị thăm quan mô hình “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” trong sản xuất lúa Gia Lộc 516 theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Ngày 10/6/2021 tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần thuộc Viện Cây lương thực và Phát triển cây lúa thuần tổ chức Hội nghị đầu bờ thăm quan, đánh giá nghiệm thu mô hình Ứng dụng “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” trong sản xuất lúa Gia Lộc 516 theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Dự và chủ trì hội nghị có ThS. Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Phạm Văn Tính – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần; đại diện Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thuộc các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; lãnh đạo một số xã tham gia mô hình và trên 70 hội viên nông dân tham gia mô hình dự hội nghị.

       

“Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” được công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 321/QĐ-TT-CLT, ngày 11/12/2020 của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần gồm cơ giới hóa các khâu làm đất, cấy máy, sử dụng các loại chế phẩm sinh học,… giúp giảm được 60-70% công lao động, giảm 15-25% phân bón và giảm 10% tổn thất sau thu hoạch.

     

Mô hình đã được áp dụng vào sản xuất giống lúa chất lượng Gia Lộc 516 tại xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm), xã Dị chế (huyện Tiên Lữ), xã Đa Lộc (huyện Ân Thi) và xã Đình Cao (huyện Phù Cừ), tổng diện tích 55 ha với 179 hộ tham gia mô hình.

      

Kết quả áp dụng cho “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” này đã cho thấy giống Gia Lộc 516 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt tại các địa điểm được triển khai; có khả năng thích ứng với các điều kiện canh tác mới như cơ giới hóa và phù hợp để ứng dụng các chế phẩm sinh học vào phát triển giống lúa này. Với tiềm năng năng suất cao, vụ Xuân 2022, năng suất đạt khoảng 24,5-26,5 kg/sào (tương đương 67,9 – 73,4 tạ/ha) cao hơn hẳn đối chứng  từ 9,6-14%).

Kết luận tại hội nghị ThS. Nguyễn Xuân Hải đã khẳng định việc ứng dụng “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” vào sản xuất lúa nói chung và giống lúa Gia Lộc 516 nói riêng đã đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Đặc biệt góp phần giảm thiểu được công lao động trong tình hình thiếu lao động trẻ ở các địa phương mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần tiếp tục nghiên cứu áp dụng mở rộng “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” vào sản xuất lúa ở Hưng Yên để xây dựng phong trào và phát huy được hiệu quả, tiềm năng của các giống lúa đang được gieo cấy ở Hưng Yên.

Liên kết