Hội nghị trực tuyến phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập

Chiều ngày 23/9/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”. Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện một số tổ chức quốc tế, Ngân hành thế giới, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và một số doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ chủ trì một hội nghị phát triển thị trường công nghệ tại Việt Nam.

Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có TS. Nguyễn Duy Hưng – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh;

Lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh; các trường Đại học, cao đẳng, các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; các doanh nghiệp KHCN và đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Phát biểu Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp và điều tiết của nhà nước khi cần thiết).

   

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, và 1 kiên quyết không". Trong đó, 4 ổn định là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Do đó, Thủ tướng mong muốn thực hiện nhanh việc “Biến khoa học và công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội” và quyết tâm “Gỡ vướng mắc thể chế để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ phát triển”  dựa trên phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KHCN ở nước ta hiện nay đã tương xứng với vai trò, vị trí trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa? Bên cạnh đó cần làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KHCN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau ra sao? Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ đạo việc thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KHCN còn vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào? Văn bản nào cần bổ sung, sửa đổi, văn bản nào cần thay thế, cấp nào là cấp có thẩm quyền?... 

   

Trả lời được các câu hỏi trên cần phải thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; phải tập trung phát triển thị trường của các sản phẩm đặc biệt; lấy khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm,…

Báo cáo kết quả phát triển thi trường khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ KHCN, cùng sự hợp tác ngày một sâu rộng của các doanh nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta đã tạo ra nhiều thành tựu KHCN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

    

Khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là mức 30-35%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,88%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khối ASEAN và cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao ở Châu Á.

     

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta liên tục được cải thiện, hiện đứng ở vị trí thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016. Nhiều công nghệ mới, tiến tiến được tạo ra, tiếp thu, làm chủ và áp dụng trong các doanh nghiệp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

     

Hội nghị đã nghe ý kiến của các viện, trường đại học, các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán tại Việt Nam, Ngân hàng thế giới, UBND một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, tập trung vào các vấn đề như: Phải coi Thị trường KHCN là thị trường rất đặc biệt, không thể bàn như "bán khoai, bán sắn" và Việt Nam phải trở thành nơi hội tụ khoa học, hội tụ tài năng (PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam); Ông Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết cần huy động tổng lực nguồn lực cho KHCN, có hướng huy động nguồn lực từ trên thị trường chứng khoán, thông các quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực khoa học công nghệ và các sản phẩm khoa học công nghệ. Bộ Trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho rằng “Cần có các Chương trình đầu tư một cách quyết liệt, đủ ngưỡng để phát triển KHCN”, Đồng thời cũng cần có cơ chế để cho phép sai và phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường KHCN; Cần tạo chính sách đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích chuyển giao công nghệ; Cần đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian hậu kiểm các giải pháp KHCN để nhanh chóng đưa vào sản xuất… Đại diện các địa phương lại thấy cần giải quyết nhiều cơ chế vướng mắc như Hà Nội muốn có cơ chế, thử nghiệm chính sách mới về KH&CN và đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh khoa học công nghệ nói chung và thị trường KHCN nói riêng. Còn Thành phố HCM lại chon rằng “Giá trị của các sản phẩm KHCN không phải dựa trên khối lượng thành công mà trên giá trị chất xám” nên phải tập trung vào phát triển mạnh mẽ nền kinh tế tri thức và phải có cơ chế, chính sách đồng bộ cho phát triển khoa học tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam. Ngoài ra các địa phương cũng mong muốn tăng cường việc hỗ trợ kết nối cung cầu với các cơ sở nghiên cứu khoa học, nhất là ở các địa phương, các viện, trường mà đầu mối nòng cốt phải là ngành KHCN.

    

Cũng quan điểm phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Ông Andrew Goledzinowski lại cho thấy nếu Việt Nam quyết liệt trong phát triển mạnh đổi mới sáng tạo, chắc chắn rằng thông qua đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể trở nên giàu có thịnh vượng trong thời gian ngắn nhất.  Đại diện Ngân hàng Thế giới trình bày kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo và cam kết hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển KHCN ở Việt Nam. Cùng quan điểm phát triển thị trường KHCN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập  thì chúng ta cũng phải luật hóa cơ chế “chấp nhận thất bại” trong KHCN, Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam lại cho rằng cần tạo chính sách đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích chuyển giao công nghệ.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau.

Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ...” do nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường khoa học công nghệ là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý kiến của các đại biểu khi tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KHCN ở nước ta hiện nay; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KHCN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể chính của thị trường KHCN; nguồn cung thị trường KHCN; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới; vai trò của các tổ chức trung gian, môi giới trong kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hoá KHCN; hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN; các giải pháp đột phá để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới…Về thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học công nghệ, cần hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển; hỗ trợ nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch có giá trị nền tảng. Đồng thời tập trung phát triển các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối trong mạng lưới, có khả năng cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống; các tổ chức trung gian tại các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, nhất là tại các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học trọng điểm; tại các tổ chức KH&CN lớn, liên ngành hoặc đa ngành về kỹ thuật và công nghệ và tại các hiệp hội ngành hàng.

Để phát triển thị trường khoa học công nghệ thực sự đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần quan tâm, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng quốc gia cho thị trường khoa học công nghệ; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước

Thủ tướng Chính phủ mong muốn, sau hội nghị, thị trường KHCN sẽ được quan tâm để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc phát triển thị trường KHCN không được nóng vội, phải có lộ trình, hướng đi phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”. Trong phát triển thị trường KHCN phải lấy nghiên cứu KHCN là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là động lực, các đơn vị liên quan cần có những bước đi thận trọng, từng bước tập trung phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, ưu tiên phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN, sớm đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính; hình thành và vận hành 3 sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại 3 miền của đất nước; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ của các địa phương và các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và thế giới; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

Trường Long.

 

 

Liên kết