Ngày 15/11/2022, Tại Khách sạn Phố Hiến, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh”
Chủ trì hội thảo có ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào Tạo, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Trường Đại học, cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh; các Doanh nghiệp KH&CN của tỉnh; một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại hội thảo KS. Vũ Tiến Giáp - Trưởng phòn Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết tại tỉnh Hưng Yên, thị trường khoa học và công nghệ đang từng bước được hình thành và phát triển. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025; UBND tỉnh ban hành chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh giai đoạn 2016-2025; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn đến năm 2030; Kế hoạch thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Hưng Yên trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch khác.
Tỉnh Hưng Yên cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kiến thức, tầm quan trọng của xây dựng, bảo vệ, phát triển sở hữu công nghiệp, tài sản trí tuệ; Đến nay đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 30 sản phẩm đặc trưng của tỉnh (01 chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng; 12 nhãn hiệu chứng nhận; 17 nhãn hiệu tập thể). Bên cạnh đó tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng; hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, pháp triển tài sản trí tuệ; việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp được quan tâm, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 07 doanh nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ (trong đó Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận cho 06 doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận cho 01 doanh nghiệp); có 09 tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động; 12 Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Các tổ chức, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực đăng ký. Đã xây dựng và đưa vào vận hành website sàn giao dịch công nghệ của tỉnh địa chỉ www.sancongnghehungyen.gov.vn. Hiện nay có gần 2.000 sản phẩm được giới thiệu của gần 300 nhà cung cấp sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho đơn vị có nhu cầu.
Đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và chú trọng. Ngoài tập trung hỗ trợ triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về KH&CN, Sở còn đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về các công nghệ sẵn sàng chuyển giao và nhu cầu tìm kiếm công nghệ qua các kênh truyền hình, truyền thanh, website, các bản tin KH&CN, tạp chí, tập san KH&CN, kỷ yếu các đề tài, dự án KH&CN; tổ chức các hội thảo, hội nghị; xây dựng và cập nhật thông tin về hoạt động KH&CN trên Cổng thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh;...
KS. Vũ Tiến Giáp cũng cho thấy được những hạn chế của thị trường khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh như chưa đáp ứng kịp thời đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khó khăn về nguồn vốn; về thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học gặp nhiều khó khăn; hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học còn hạn chế, dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung hàng hoá khoa học, công nghệ; hoạt động mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn hạn chế; các tổ chức trung gian còn yếu về năng lực, chưa có tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng, chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước để kết nối với thị trường khu vực và quốc tế; hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ còn lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia; cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số của thị trường khoa học và công nghệ chưa được đầu tư phát triển ngang tầm.
Hội thảo đã có 14 ý kiến tham luận và ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và định hướng triển khai trong thời gian tới; Bảo hộ, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; Nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ; góc nhìn từ giải pháp quản lý tổng thể cho Bệnh viên đa khoa Hưng Hà;
Hiệu quả sàn giao dịch công nghệ; giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện của đơn vị/tổ chức trung gian trong chuỗi cung cầu công nghệ tại tỉnh Hưng Yên; Rào cản trong hoạt động thương mại hóa sản phẩm mới trong lĩnh vực thú y; thực trạng và giải pháp; Hiệu quả trong công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; Giới thiệu các kết quả nghiên cứu, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp do Viện nước, tưới tiêu và môi trường thực hiện và chuyển giao; Hoạt động nghiên cứu, phát triển thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Công ty FAGO; Nhu cầu sử dụng công nghệ trong ngành may tại tỉnh Hưng Yên,…
Phát biểu kết luận Hội thảo, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các diễn giả, các đại biểu tham dự, nhất là các trường đại học, nhà khoa học và các doanh nghiệp trong thực hiện và phản ánh những khó khăn, thuận lợi, thời cơ thách thức của thị trường khoa học và công nghệ nói chung, thị trường khoa học và công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, trong các doanh nghiệp nói riêng. Trên cơ sở đánh giá, phản ánh thấy được bức tranh tổng thể hiện trạng về thị trường khoa học và công nghệ tại các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, chúng ta sẽ phân tích, đánh giá, xây dựng được hệ thống các giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đáp ứng yêu cầu mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới./.
Trường Long.