Ngày 31/5/2024, tại xã Hiệp Cường - huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên phối hợp Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo đầu bờ "Xây dựng mô hình trình diễn canh tác giống lúa mới ĐT120, kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học".
Các đại biểu thăm quan đánh giá mô hình trực tiếp tại đồng ruộng
Dự và chủ trì hội nghị có ThS. Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương; Hội Nông dân tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện; các Phòng Kinh tế; phòng Kinh tế và Hạ tầng; phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố; Đại diện lãnh đạo UBND; Hội Nông dân, Hợp tác xã các xã Thụy Lôi, Lệ Xá (huyện Tiên Lữ); Hiệp Cường (huyện Kim Động) và hơn 80 hộ dân tham gia (trong đó có 23 hộ trực tiếp tham gia mô hình và gần 60 hộ vùng triển khai mô hình).
Các đại biểu thăm quan đánh giá mô hình trực tiếp tại đồng ruộng
Các đại biểu được thăm quan trực tiếp mô hình tại đồng ruộng và nghe báo cáo vụ Xuân năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 3 mô hình trình diễn tại các xã Thụy Lôi, Lệ Xá (huyện Tiên Lữ); Hiệp Cường (huyện Kim Động) với quy mô 50ha, kết hợp sử dụng phân bón nano UPLML và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học Neem Ferno.
Lúa gạo ĐT 120 và chế phẩm phân bón nano UPLML, thuốc BVTV sinh học Neem Ferno
Cũng theo báo cáo giống lúa ĐT120 có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 125 - 130 ngày, kiểu cây gọn, bông to, chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu. Giống lúa ĐT120 có hạt dài, màu vàng sáng, cơm mềm, đậm và có mùi thơm nhẹ. Năng suất ước đạt từ 220 - 270 kg/sào, cao hơn từ 15 - 30% so với giống đối chứng Bắc thơm số 7. Mô hình đã kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ nano UPLML và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học Neem Ferno (dòng chế phẩm sinh học thảo mộc có đến 90% thành phần là tinh dầu Nêm, đây là tinh chất từ cây xoan chịu hạn) giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại. Qua theo dõi, so với giống Bắc thơm số 7, giống ĐT120 chỉ nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại như đạo ôn, khô vằn, cuốn lá, đục thân và rầy nâu...
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, các hộ dân, đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng Giống lúa ĐT120 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên của tỉnh Hưng Yên; thích ứng với điều kiện canh tác mới. Kết quả cho thấy giống lúa ĐT120 có khả năng đẻ nhánh cao, tỷ lệ nhánh hữu hiệu và số bông hữu hiệu/khóm cao; có khả năng chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại. Qua đó đã khẳng định giống lúa ĐT120 là giống có tiền năng năng suất cao đạt từ 65-70 tạ/ha.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh đó việc ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất lúa nói chung và trên giống ĐT120 cần tiếp tục được mở rộng, đồng thời áp dụng tốt việc cơ giới hóa vào sản xuất cũng như ứng dụng các chế phẩm sinh học và chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại an toàn cho nhân dân trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự phối hợp của các ngành, địa phương và bà con nông dân cũng như kết quả của mô hình, cho thấy được việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại sẽ giúp nông dân tiếp cận với giống mới, kỹ thuật canh tác mới tiết kiệm được chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải phóng sức lao động và phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiến tới hình thành các vùng sản xuất lúa quy mô lớn, góp phần bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, nhất là việc sử dụng giống lúa mới ĐT120 kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, chủ động với biến đổi khí hậu mà còn giúp tăng năng suất, chất lượng, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Đây là cơ sở để tỉnh duy trì và nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các địa phương và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch; khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trước mắt, khẩn trương phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiếp các nội dung của vụ Mùa 2024 đảm bảo tiến độ, thời vụ. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cho nhân dân vùng triển khai mô hình ứng dụng vào sản xuất lúa vụ Mùa 2024 hiệu quả. Tổng hợp, báo cáo, đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất lúa năm 2024 theo quy định./.
Trường Long.