Hội thảo khoa học Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Ngày 8/7/2022, tại Khách sạn Thái Bình (tỉnh Hưng Yên), Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030”

Về dự và chủ tì Hội thảo có ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ), đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và hơn 50 đại biểu là các doanh nghiệp trong tỉnh.

“Truy xuất nguồn gốc” thuật ngữ đang phổ biến hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa chính là giải pháp cho người dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với hàng hóa nông sản tại thị trường Việt Nam vì sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng tràn lan. Không doanh nghiệp nào muốn sản phẩm của mình bị đánh giá như nhau, bị đánh đồng hàng tốt với hàng kém chất lượng. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TVCN 12850:2019 phải được gắn với gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Hưng Yên.

Báo cáo tại hội nghị, Ông Đào Mạnh Hùng - Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên báo cáo về thực trạng về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc điện tử,… Bên cạnh đó, hiện nay truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau; các thông tin về truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng hoàn toàn; người dùng có thể phải cài đặt một lúc nhiều phần mềm do các nhà cung cấp giải pháp riêng lẻ, chưa tạo thành phầm mềm chung cho toàn chuỗi các sản phẩm,… Do đó, để đảm bảo kết nối tốt thì cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc chung phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Kết quả này hổi thảo khoa học này sẽ là cơ sở để thực hiện tốt Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy suất nguồn gốc.

 

Tại Hội thảo, Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã giới thiệu Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai xây dựng áp dụng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, khả năng tích hợp các hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh, thành phố trong cả nước.

    

Hội thảo đã nghe 09 ý kiến tham luận tập trung vào: Thực trạng triển khai và hiệu quả của đề án “Duy  trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”,...

     

Ngoài ra còn có các ý kiến như: Truy xuất nguồn gốc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại; Mục tiêu, giải pháp thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Một số kinh nghiệp triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm Gạo tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ An Đình,…

Phát biểu kết luận Hội thảo, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định việc Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là cần thiết và tất yếu hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030 lại càng phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả để nâng cao về năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đánh giá cao sự phối hợp của các ngành, các địa phương của tỉnh, sự phối hợp và giúp đỡ của Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ); tinh thần trách nhiệm và các ý kiến tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp để đóng góp vào sự hoàn thiện của việc Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030 do Sở Khoa học và Công nghệ đang thực hiện.

ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đề nghị Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia; các sở ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đề án trên. Đề nghị Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, các sở, ngành, các đại phương và doanh nghiệp trong tỉnh tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện hiệu quả việc Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030 nhằm nâng cao năng suất chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước nói chung và của Hưng Yên nói riêng.

Trường Long.

Liên kết