Hưng Yên đón thêm 760 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 10.000 tỷ đồng vốn trong nước

Có 24 doanh nghiệp trong nước, nước ngoài vừa được tỉnh Hưng Yên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ chương đầu tư vào tỉnh.

Có 24 doanh nghiệp trong nước, nước ngoài vừa được tỉnh Hưng Yên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ chương đầu tư vào tỉnh.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào chiều ngày 7/7, tỉnh Hưng Yên đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thổ Hoàng và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thổ Hoàng. Dự án có quy mô 250 ha, thuộc địa bàn xã Vân Du, xã Xuân Trúc, xã Quang Lãng và thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi. Tổng vốn đầu tư dự án 3.095 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Ân Thi. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên phải) trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư. Ảnh: T.T

Trong các dự án được được trao giấy chứng nhận lần này có 2 dự án đầu tư xây dựng đô thị. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Công viên trung tâm và khu đô thị mới Đông Khoái Châu, tổng vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng (tương đương hơn 122 triệu USD), nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Sakura và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng (tương đương gần 127 triệu USD), nhà đầu tư là Công ty cổ phần phát triển đô thị Mỹ Hào.

Mục tiêu của các dự án đô thị trên nhằm xây dựng khu đô thị mới có kiến trúc hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh với các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân trong khu vực, người lao động trong các khu công nghiệp và các đối tượng khác góp phần ổn định xã hội; làm động lực thúc đẩy nhanh quá tình phát triển kinh tế -xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược hiện đại hóa của tỉnh Hưng Yên.

Ông Nguyễn Lê Huy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên trao giấy chúng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: T.T

Với 2 dự án đô thị đã được triển khai là khu đô thị Đại An và dự án khu đô thị sinh thái Dream City tại tỉnh Hưng Yên, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinhomes – chủ đầu tư 2 dự án trên đã có những đánh giá tích cực về Hưng Yên ngay tại hội nghị.

“Cơ sở hạ tầng đang được tỉnh Hưng Yên đầu tư mạnh mẽ với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước đến nay như đường Vành đai 4, dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, …Trong quá trình phát triển, Hưng Yên đã đặc biệt chú trọng trong việc thu hút kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng đô thị nhằm giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, các chuyên gia, người lao động cũng như các điểm đến vui chơi, mua sắm đẳng cấp nhằm nâng cao đời sống chất lượng của tỉnh. Và chúng tôi đã yên tâm đến với Hưng Yên”, ông Phạm Thiếu Hoa nói.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinhomes phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.T

Có thể thấy, việc công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh. Các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đã có thêm một điểm tựa, niềm tin để tiếp tục “rót vốn” vào triển khai các dự án tại địa phương này. Các dự án đã và sẽ triển khai của các nhà đầu tư với số vốn lên đến hàng chục tỷ đô la Mỹ sẽ góp phần nâng cao vị thế của Hưng Yên, tiến nhanh, tiến xa, tiến vững chắc để  trở thành một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ.

Trong số các dự án FDI đăng ký đầu tư vào Hưng Yên lần này, có thể thấy chủ yếu đến từ các nước như: Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,… Cụ thể: Dự án Công ty cổ phần Hưng Yên Alpha Logistics Park, tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD của nhà đầu tư đến từ Singapore; Dự án sản xuất tem nhãn RFID (sử dụng sóng vô tuyến để đọc và thu thập thông tin được lưu trữ trên thẻ gắn với vật thể) đến từ Đài Loan có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 67 triệu USD; Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà kho, văn phòng và các công trình phụ trợ hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng cao để cho thuê của nhà đầu tư Singapore (77 triệu USD); Dự án sản xuất, chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (87,7 triệu USD)…

Ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghiệp Hưng Yên trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư. Ảnh: T.T

Đây là minh chứng rõ nét về sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trong công tác xúc tiến đầu tư, sự chỉ đạo quyết liệt trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng như niềm tin của các nhà đầu tư khi đến với Hưng Yên.

Với hơn 30 năm đầu tư vào Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, Ông Kaneda Hiroki cho rằng “ Tỉnh Hưng Yên có những yếu tố thu hút đầu tư như vị trí địa lý thuận tiện, hạ tầng đồng bộ giúp cho việc phân phối hàng hóa đi các tỉnh nhanh chóng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư thuận lợi, cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp rất hiệu quả. Chính vì vậy, Acecook đã lựa chọn Hưng Yên là điểm điểm đến chiến lược để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Ông Kaneda Hiroki, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam phát biểu. Ảnh: T.T

Việc đưa vào khai thác các tuyến đường trọng điểm, quan trọng, quỹ đất lớn đã kéo theo hàng loạt khu, cụm công nghiệp được hình thành. Theo dọc tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện nay đang có nhiều các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng và hoàn thiện hạ tầng một cách đồng bộ.

Có vị trí thuận lợi, tiếp giáp với đường nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, khu công nghiệp số 5 đã thu hút đc 12 dự án vào đầu tư trong đó có 10 doanh nghiệp của Đài Loan với số vốn đăng ký khoảng 150 triệu USD. Ông Nguyễn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ, bày tỏ: “Với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông tốt, nên trong số 20 dự án FDI được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần này, thì có tới 5 dự án đầu tư vào khu công nghiệp số 5 của chúng tôi. Với diện tích gần 200 ha, hạ tầng khu công nghiệp đang được hoàn thiện rất nhanh, cùng chính sách ưu đãi, tiện ích, chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến với Hưng Yên, đến với chúng tôi”.

Nhà đầu tư thứ cấp đang xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp số 5. Ảnh: Thanh Tân

Là nhà cung cấp RFID (sử dụng sóng vô tuyến để đọc và thu thập thông tin được lưu trữ trên thẻ gắn với vật thể) lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh, năm 2023, Arizon đã cung cấp hơn 3.000 sản phẩm RFID. Lần này, Arizon đã đầu tư xây dựng nhà máy mới tại khu công nghiệp số 5, tỉnh Hưng Yên với diện tích lớn gấp đôi nhà máy tại Dương Châu, Trung Quốc.

Đại diện nhà đầu tư dự án sản xuất tem nhãn RFID, ông Ho, Yi Da, Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ Arizon (Việt Nam) cho biết:  “Trong quá trình tìm kiếm vị trí đặt nhà máy, chúng tôi đã đi thăm hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với vị trí địa lý đắc địa của tỉnh Hưng Yên và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, cùng sự ủng hộ đối với ngành bán dẫn và chính sách ưu đãi thực tế của khu công nghiệp số 5 là những lý do chính chọn Hưng Yên là điểm dừng chân của chúng tôi. Dự án sản xuất tem nhãn RFID tại khu công nghiệp số 5 tỉnh Hưng Yên dự kiến có sản lượng 30 tỷ sản phẩm/năm”.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi thông tin bên lề hội nghị. Ảnh: Thanh Tân

Nguồn:https://baodautu.vn/

Mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên có 30 khu công nghiệp, bao gồm: 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới; với tổng diện tích 9.589 ha. Sau năm 2030, quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích 2.460 ha.

Liên kết