Hưng Yên hiện thực hóa quy hoạch về phát triển khu công nghiệp

Những năm gần đây, Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

 

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển 35 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh với diện tích hơn 12.000 ha. Trong đó, đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển 30 KCN với quy mô diện tích trên 9.500 ha. Đến nay, đã có 12 KCN được thành lập với quy mô hơn 3.100 ha và tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 1,2 tỷ USD.

z6146029652522_51b5c669ca674648ed33c3d21dbc7dba.jpg

Khu công nghiệp Thăng Long II là Khu công nghiệp tiêu biểu trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

“Làm nóng” cuộc đua công nghiệp

Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ này, ngay sau khi Quy hoạch được thông qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên.

Ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh định hướng kết hợp phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế; hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch; ưu tiên các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, có khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Là nhà đầu tư FDI, ông Han JongDeok (Hàn Quốc) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển KCN VTK Hưng Yên bày tỏ: “Trong quá trình khảo sát, lựa chọn địa điểm để đầu tư, chúng tôi lựa chọn tỉnh Hưng Yên bởi cách làm việc rõ ràng, minh bạch của tỉnh trong thu hút đầu tư. Tiếp đó là thủ tục hành chính nhanh gọn, tiết giảm được nhiều thời gian cho doanh nghiệp; nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Chính quyền địa phương luôn đồng hành tháo những gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với KCN Thăng Long II, ông Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long II đánh giá, Hưng Yên đang khẳng định là điểm đến hấp dẫn, an toàn, bền vững cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện làm Hưng Yên càng tăng thêm sức hấp dẫn về đầu tư ngành công nghiệp.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông đang là điểm nhấn của tỉnh với các tuyến đường lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Vành đai 4, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, tuyến đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL.38 và QL.38B mới, đường Tân Phúc – Võng Phan… sẽ làm tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hưng Yên nằm trong Top 12 tỉnh/thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước, cho thấy sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền tỉnh và sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

VTK 2

Hạ tầng giao thông phát triển dẫn dắt đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Chỉ tiếp nhận dự án “xanh – sạch”

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp, về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hưng Yên sẽ phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ông Vũ Quốc Nghị cho biết, tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu, nhất là vật liệu mới...

Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển nhanh các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư lớn, hiện đại.

img_9459.jpg

Ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp FDI

Hiện nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Những năm qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chỉ lựa chọn tiếp nhận những dự án công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, dự án có quy mô lớn, tiến độ triển khai nhanh và đóng góp nhiều cho ngân sách. Nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở các khu công nghiệp của tỉnh như: Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic.

“Theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau năm 2030 tỉnh được phát triển thêm 05 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 2.460 ha. Đây là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế và hạ tầng, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như nâng cao vai trò của Hưng Yên trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, việc thành lập, mở rộng các khu công nghiệp cũng bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng”, ông Vũ Quốc Nghị nói.

Nguồn: https://vnexpress.net/

 

Liên kết