Vài năm gần đây, cây quýt được người nông dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên "sáng tạo" thành nhiều tác phẩm độc đáo, bắt mắt, có giá trị hàng chục triệu đồng.
Trước đây, cây quýt được những người nông dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trồng lấy quả hoặc bán cho khách hàng chơi Tết, với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Thế nhưng vài năm gần đây, cây quýt đã được người dân sáng tạo ra nhiều kiểu dáng độc đáo, bắt mắt, có giá trị hàng chục triệu đồng.
|
Nông dân Văn Giang “biến” cây quýt thành những tác phẩm độc đáo |
Thời điểm này, khi đến các nhà vườn quýt cảnh Văn Giang khung cảnh tất bật, nhộn nhịp bao trùm khắp vườn. Những nông dân Văn Giang đang tích cực chăm sóc, gò thế tạo dáng, “làm đẹp” cho cây quýt để tung ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.
|
Những nông dân Văn Giang đang tạo dáng cho cây quýt |
|
Tác phẩm quýt cảnh đĩnh vàng có giá từ 12-15 triệu đồng |
|
Chiếc lọng khổng lồ có giá 18-20 triệu/cặp |
Chỉ tay vào chậu quýt cảnh hình đĩnh vàng vừa mới hoàn thành, anh Nguyễn Văn Thạnh - người trồng cây quýt cảnh lâu năm tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho biết: "Ngoài kiểu dáng lộc bình, trái tim như những năm trước, năm nay tôi và gia đình còn tạo thêm mẫu đĩnh vàng và chiếc lọng khổng lồ. Thường mỗi cây quýt cảnh được tạo dáng hình đĩnh vàng có chiều cao hơn 1 mét, tán rộng gần 2 mét. Việc tạo dáng quýt cảnh hình đĩnh vàng mang ý nghĩ đem đến sự sung túc, tài lộc cho gia chủ. Giá bán mỗi cây quýt cảnh đĩnh vàng giao động từ 12 triệu đến 15 triệu đồng".
|
Tác phẩm trái tim có giá 15 triệu |
|
Lộc bình khủng có giá 18-22 triệu/cặp |
Theo kinh nghiệm của anh Thạnh, cây quýt đủ điều kiện tạo thế phải là cây già từ 4 đến 5 năm, có tán rộng. Sau quá trình chăm sóc công phu để cây phát triển tốt mới đưa cây quýt lên chậu để chăm bón với quy trình cẩn thận. Việc giữ cho cây quýt ra quả đều, không bị rụng đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao của người trồng, điển hình là thao tác tiện gốc khi quả đậu trên cây bắt đầu lớn bằng hạt ngô.
|
Việc giữ cho cây quýt ra quả đều, bóng đẹp đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao |
Anh Thạnh bật mí, thời gian tạo thế phải mất từ 4-5 ngày mới làm xong một cây lộc bình, riêng đĩnh vàng phải mất 6-10 ngày. Việc gò cắt tỉa cho tác phẩm cũng rất công phu, tỉ mỉ. Mỗi cây quýt cảnh hình lộc bình có chiều cao từ 3-4m và đường kính 1,5m nên nhiều khi phải dùng thang để chăm cây.
|
Việc gò cắt tỉa cho tác phẩm cũng rất công phu, tỉ mỉ |
|
Nhà vườn thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh |
|
Tưới nước đều cho cây quýt ngày 1-3 lần |
Để có cây quýt cảnh mẫu mã ứng ý, những người nông dân Văn Giang phải gò, uốn, nắn, cắt tỉa sao cho hình dáng cân đối. Cây quýt cảnh khi đến tay khách hàng phải có đủ quả vàng, quả xanh, mọng, lá xanh mượt và nhiều lộc non vươn cao thể hiện sự thăng tiến, sinh sôi nảy nở, tài lộc trong năm mới.
|
Cây quýt cảnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân Văn Giang |
Có thể thấy cây quýt nếu hái bán quả, hay bán cả cây cũng chỉ được vài trăm nghìn đến đôi ba triệu là cùng. Nhưng, sau khi đưa lên chậu, chăm sóc tươi tốt, uốn nắn cắt tỉa trở thành những sản phẩm độc đáo với giá trị hàng chục triệu đồng. Nhờ sự sáng tạo và bàn tay khéo léo “biến” những cây quýt thành đĩnh vàng, trái tim, chiếc lọng, lộc bình…đem lại sự mới lạ độc đáo với người chơi, đồng thời, gia tăng hiệu quả kinh tế cho những nông dân làm vườn tại Văn Giang.
Phạm Tiệp
Nguồn: https://congthuong.vn/hung-yen-nong-dan-van-giang-bien-cay-quyt-thanh-nhung-tac-pham-doc-dao-291270.html