Hưng Yên dự kiến đến năm 2030 quy hoạch phát triển 30 Khu công nghiệp (KCN) diện tích 9.540 ha và năm 2050 là 35 KCN diện tích 12.000 ha, đảm bảo mặt bằng thuận lợi cho việc tiếp nhận các nhà đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Đây là chia sẻ của ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Đó cũng là nhiệm vụ được Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là một trong ba khâu đột phá cần thực hiện để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại đó là: “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển”.
|
Quang cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Ảnh: Như Trung |
Tỉnh Hưng Yên có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Về hạ tầng giao thông, trong năm 2022- 2023, Tỉnh đã tập trung triển khai đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch như: Dự án đường Vành đại IV qua địa phận Hưng Yên với chiều dài 19,3 km; Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2); dự án Đường kết nối di sản; dự án Đường Tân Phúc - Võng Phan; Dự án Đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376…
Từ nay đến năm 2050, Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc quốc lộ các tuyến đường liên tỉnh, kết nối liên vùng để mở ra các không gian động lực mới để thu hút các KCN, khu đô thị văn minh hiện đại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Hiện nay, Hưng Yên có 17 KCN, trong đó có 9 KCN phát triển theo trục giao thông Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha. Trong đó có 11 KCN đã được chấp thuận Chủ trương đầu tư và đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư thu hút vào trong KCN khoảng 9 tỷ USD, với khoảng 437 dự án (249 dự án FDI, 188 dự án trong nước), tạo việc làm cho 78.300 lao động. Doanh thu từ các dự án trong KCN năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, thu ngân sách nội địa khoảng 2.700 tỷ động.
Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên dự kiến quy hoạch phát triển 30 KCN với diện tích 9.540 ha và năm 2050 là 35 KCN với diện tích 12.000 ha, đảm bảo mặt bằng thuận lợi cho việc tiếp nhận các nhà đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 28 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, quy mô đạo tạo hàng năm khoảng 12.000 sinh viên, trong đó có nhiều Trường liên kết quốc tế. Cùng với đó, vị trị liền kề thủ đô Hà Nội, có khả năng tiếp cận nguồn nhân lượng cao, nên đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của sản xuất công nghiệp.
Trong tham luận tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Trần Quốc Văn đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương về một số nội dung như: Chỉ tiêu đất KCN của tỉnh đến năm 2025 là 3.849 ha, nhưng trên thực tế tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch KCN đến năm 2025 là 4.395,43 ha. Như vậy, hiện nay tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng bổ sung vượt 546,43 ha đất KCN, nhưng chưa được phân bổ trong chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, nên chưa thể triển khai thực hiện. Vì vậy, để có cơ sở triển khai thực hiện các KCN trên địa bàn tỉnh, cũng như phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét phân bổ chỉ tiêu Kế hoạch, Quy hoạch sử dụng đất KCN của tỉnh Hưng Yên.
|
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Như Trung |
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới, để tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, Khu đô thị dịch vụ dọc các tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối vùng, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung vào những giải pháp chủ yếu như: Về phát triển hạ tầng, Tỉnh sẽ phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao dọc tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Định hướng trở thành một khu vực phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh Hưng Yên và vùng đồng bằng sông Hồng. Khu vực dọc tuyến đường đoạn qua tỉnh Hưng Yên như: cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Vành đai 4, đường Vành đai 3,5 tập trung phát triển khu đô thị lớn; nhà ở xã hội, đáp ứng về nhà ở và an sinh xã hội cho chuyên gia, công nhân và người dân.
Về thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “Hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN; triển khai mô hình “Một cửa tại chỗ” tại các KCN, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Nguồn: https://baodautu.vn/hung-yen-tap-trung-phat-trien-nganh-cong-nghiep-cong-nghe-cao-cong-nghiep-ho-tro-d194548.html