Hưng Yên đang tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN trên địa bàn.
Hưng Yên được xác định là địa phương có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ giữa ba tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, gần các cảng biển quốc tế Hải Phòng, Cái Lân và sân bay quốc tế Nội Bài.
Tháng 3/2023, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức khởi công xây dựng dự án KCN số 5
Theo BQL các KCN tỉnh Hưng Yên, tính đến hết tháng 5/2023, các KCN của tỉnh có hơn 521 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, 287 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD và 234 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,1 nghìn tỷ đồng. Số dự án đã đi vào hoạt động là 446 dự án, các dự án khác đang tiếp tục tiến hành đầu tư xây dựng.
Hiện nay, tại các KCN, tỉnh Hưng Yên có chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Qua đó, tạo được sức hút với các nhà đầu tư.
>>> Hưng Yên nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể
Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển KCN VTK Hưng Yên cho biết, Với vị trí địa lý thuận lợi, Hưng Yên đang là sự lựa chọn của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố đều là những trung tâm kinh tế, đô thị lớn. Phía doanh nghiệp nhận thấy vùng đất này có tiềm năng xứng tầm để đặt những viên gạch đầu tiên để đầu tư. Các đối tác của doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch kinh doanh với mong muốn sớm được bàn giao mặt bằng để xây dựng nhà máy, công xưởng và bắt đầu sản xuất kinh doanh vào tháng 12/2023. Phía doanh nghiệp cùng với các đối tác hy vọng với kế hoạch trên sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp và tỉnh Hưng Yên.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Canon, Khu công nghiệp Phố Nối A
Còn theo đại diện Tập đoàn COT cho biết, sau một thời gian khảo sát, phía Tập đoàn đã chọn Hưng Yên là địa điểm mở rộng đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu, Tập đoàn COT sẽ thuê 6,6ha đất tại KCN Thăng Long II để đầu tư xây dựng dự án. Trong 5 - 8 năm tới, Tập đoàn sẽ mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD.
Cũng theo đại diện Tập đoàn COT, phía tập đoàn mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư, các thủ tục pháp lý theo quy định của Việt Nam, những chính sách ưu đãi của tỉnh Hưng Yên trong việc thuê đất. Bên cạnh đó, tập đoàn mong muốn tỉnh Hưng Yên tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục giao đất, thuê đất, cấp phép xây dựng…
Cải thiện môi trường đầu tư
Tỉnh Hưng Yên hiện có 17 KCN theo quy hoạch với tổng diện tích hơn 4.300 ha. Trong đó, có 8 đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Đặc biệt, trong số 17 KCN được quy hoạch thì đa số là các KCN mới và KCN được mở rộng thêm về diện tích. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: “Điều đầu tiên khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại địa phương quan tâm là môi trường đầu tư kinh doanh. Điều đó được thể hiện qua chỉ số PCI. Từ chỉ số PCI này, địa phương phải tự xem xét, điều chỉnh lại để chỉ đạo các cấp tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp”.
>>> Hưng Yên khởi công khu công nghiệp số 5
Theo đại diện BQL các KCN tỉnh Hưng Yên, năm 2023, Hưng Yên tập trung đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng các KCN đã được bổ sung vào quy hoạch hoàn thiện hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Cũng theo đại diện BQL các KCN tỉnh Hưng Yên, hiện nay, chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã cơ bản từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp... Các KCN của tỉnh đang hoạt động hầu hết đã có trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý hơn 30.000m3/ngày đêm. Các KCN đều được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong KCN cơ bản đáp ứng yêu cầu…
Người lao động làm việc tại KCN Thăng Long II (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Năm 2023, Hưng Yên đặt mục tiêu hoàn thành GPMB các dự án KCN đầu tư mới, dự án KCN mở rộng đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 31/12/2022. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 1 KCN được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hưng Yên hiện đang tiếp tục duy trì và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đến đầu tư tại đây. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn theo hướng ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia, triển khai các dự án có giá trị gia tăng cao, tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và tạo bước đột phá trong phát triển các KCN, CCN hiện đại.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tại các KCN. Trong đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, khuyến khích và xã hội hóa dịch vụ vận tải đưa đón công nhân trong các KCN…
Nỗ lực cải thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cũng được thể hiện khi mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Hưng Yên với Tập đoàn COT về việc tìm cơ hội mở rộng đầu tư vào KCN Thăng Long II, ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh Hưng Yên sẽ đồng hành với tập đoàn trong quá trình đầu tư vào tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II khẩn trương hoàn thành các thủ tục nộp tiền sử dụng đất; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Ngay sau khi chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tỉnh Hưng Yên sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích mở rộng tại KCN Thăng Long II.
Cũng theo ông Nam, về phía Tập đoàn COT, trong quá trình đầu tư cần phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng KCN Thăng Long II và các sở, ngành hoàn thiện các thủ tục đầu tư; quá trình đầu tư phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Còn theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Hưng Yên đã có bước tiến vượt bậc, từ đơn vị đang nằm ở đoạn nửa cuối bảng xếp hạng PCI đã vượt lên Top 15. Điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng tin tưởng, tín nhiệm hơn về môi trường kinh doanh tại Hưng Yên.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/hung-yen-tap-trung-thu-hut-dau-tu-vao-cac-khu-cong-nghiep-245151.html