Trong bối cảnh yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ ngày càng cấp thiết, những rào cản pháp lý cần được tháo gỡ. Các luật và nghị quyết ban hành cần rõ ràng, tạo ra sự minh bạch và trật tự, từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội theo một chí hướng thống nhất.
Sáng ngày 15/02/2025, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù
Dự thảo Nghị quyết có 4 Chương và 19 Điều, bao gồm hai nội dung liên quan đến hoạt động KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia (KHCN,ĐMST&CĐS). Nghị quyết được xây dựng và ban hành nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia để KHCN,ĐMST&CĐS thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
.jpg)
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Quan điểm xây dựng Nghị quyết là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KHCN,ĐMST&CĐS, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về KHCN,ĐMST&CĐS. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN; bảo đảm KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách về KHCN,ĐMST&CĐS; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS.
Nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KH&CN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia.
Khẩn trương đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
Phát biểu trong phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đây là nghị quyết rất quan trọng, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Trung ương về đột phá phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia. Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến hệ thống luật pháp hiện hành. Một số luật quan trọng, trong đó có Luật KH&CN cần được sửa đổi để tạo điều kiện thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả. Theo lộ trình, những sửa đổi này nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2025 mới hoàn thành. Điều này đồng nghĩa với việc trong cả năm 2025, chúng ta không thể triển khai được Nghị quyết 57-NQ/TW một cách trọn vẹn hoặc nếu có triển khai thì cũng không đạt được hiệu quả thực sự. Vì vậy, phải có văn bản khẩn trương đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống.
Theo Tổng Bí thư, phạm vi của Nghị quyết bao gồm những vấn đề rất lớn, với mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ hàng loạt khó khăn hiện hữu trong hoạt động KH&CN. Khó khăn xuất phát từ chính các quy định của chúng ta. Đây là bài học cho thấy thể chế đang là điểm nghẽn, nếu không tháo gỡ thì chính sách sẽ không thể đi vào cuộc sống. Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở quy định của Luật Đấu thầu. Việc phát triển KH&CN nhưng vẫn áp dụng đấu thầu sẽ dẫn đến tình trạng "tìm mua đồ giả, đồ rẻ nhất, vì đấu thầu không khuyến khích mua thiết bị đắt tiền". Điều này có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, trở thành nơi tiếp nhận các công nghệ lạc hậu của thế giới.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng việc phát triển KH&CN đang gặp vướng mắc do các quy định liên quan đến đầu tư công, đầu tư tư và hợp tác công tư. Những quy định hiện hành đang tạo ra nhiều rào cản, gây khó khăn cho quá trình triển khai và ứng dụng các thành tựu KH&CN vào thực tiễn.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Theo Tổng Bí thư, chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh theo hướng khuyến khích sản xuất, kinh doanh. Thực tế, khi Chính phủ áp dụng chính sách miễn giảm thuế đã giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước. Chính sách thuế cần linh hoạt, không chỉ tập trung vào việc tăng thu trực tiếp mà còn phải tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Tương tự, việc giảm lãi suất cũng có thể giúp ngân hàng thu được nhiều hơn. Nếu lãi suất quá cao, người dân không vay vốn, không đầu tư sản xuất, dẫn đến nền kinh tế trì trệ. Ngược lại, khi lãi suất giảm, nhiều người có cơ hội kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, từ đó ngân hàng cũng có thể cho vay nhiều hơn và thu được lợi ích lớn hơn.
Đối với Luật Doanh nghiệp, cần có các quy định khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với KH&CN. Trường đại học, viện nghiên cứu phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mô hình hợp tác chưa có trong luật nên không thể triển khai. Đây là một hạn chế lớn cần được tháo gỡ.
Nhấn mạnh lại mục tiêu là phải khuyến khích phát triển chứ không phải là chỉ tháo gỡ, Tổng Bí thư nêu rõ, còn rất nhiều việc chúng ta cần đầu tư và phải có thời gian. KH&CN là “miền đất hoang vu” cần khai thác, có sự mạo hiểm, rủi ro, chứ không phải đường rộng thênh thang ai cũng có thể đến được; nếu để chờ đầy đủ điều kiện thì rất khó. Trong bối cảnh yêu cầu phát triển KH&CN ngày càng cấp thiết, những rào cản pháp lý cần được tháo gỡ. Các luật và nghị quyết cần được ban hành rõ ràng, tạo ra sự minh bạch và trật tự, từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội theo một chí hướng thống nhất. Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục sửa đổi các luật, trước mắt là Luật KH&CN và các luật có liên quan, tiến hành đồng bộ và sát với thực tiễn. Phải đổi mới tư duy, cách làm, nhìn thẳng vào vấn đề của thực tiễn để có cách tháo gỡ.
Trước khi thảo luận tại tổ, cũng trong sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN,ĐMST.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết của Quốc hội sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia.
|
Nguon:https://www.most.gov.vn/