Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – hướng ứng dụng thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế đất n

Việc thành lập 02 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý; ứng dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Tây Nguyên,... là những thành công nổi bật đến từ Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2020. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội cho đất nước mà còn nâng tầm năng lực KH&CN của đất nước trên trường quốc tế.

Chiều ngày 05/11 tại Hà Nội đã diễn ra buổi Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh.

Về phía Đoàn Bộ KH&CN còn có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Về phía Viện Hàn lâm KH&CN có Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức, cá nhân có liên quan.


                               
                                                                                      Toàn cảnh buổi Lễ

 

Giải quyết nhiều yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Báo cáo tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, cùng với sự hỗ trợ chặt chẽ, tích cực của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Viện) đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 20/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012).

Theo đó, bên cạnh việc xác định các định hướng ưu tiên về nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ các Bộ, ngành, địa phương ứng dụng vào thực tiễn, việc phối hợp giữa hai bên đã tạo nên những kết quả nổi bật như: thành lập 02 Trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý đã được UNESCO công nhận, bảo trợ năm 2017; năm 2019, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được tổ chức xếp hạng uy tín thế giới SIMAGO đánh giá xếp hạng thứ 701/6459 trên thế giới và 347/1855 ở Châu Á,...

Ngoài ra, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN, Viện đã triển khai thực hiện thành công Chương trình KH&CN cấp quốc gia qua 02 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên”, đóng góp tích cực trong việc giải quyết những yêu cầu cấp thiết và thực tiễn tại các địa phương vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Chương trình KH&CN cấp quốc gia về vũ trụ cũng đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020; đã làm chủ các công nghệ và ứng dụng công nghệ vũ trụ vào các lĩnh vực trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Viện cũng đã triển khai công tác tư vấn, thẩm định, cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc về các vấn đề nóng của xã hội liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm, năng lượng mới, công nghệ cao, tìm hiểu nguyên nhân các hiện tượng lạ, đặc biệt là sự cố môi trường như Formosa thời gian qua.

Để triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đưa KH,CN&ĐMST thành động lực phát triển nhanh và bền vững, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cho biết, việc phối hợp công tác giữa hai Bên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030” qua một số nội dung như: phối hợp xây dựng định hướng cơ chế chính sách phục vụ triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; phối hợp triển khai các nhiệm vụ được phân công tại các Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thế mạnh của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia để thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030; tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động trong khuôn khổ của Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC) của UNESCO cùng các hợp tác quốc tế song phương và đa phương về nghiên cứu khoa học biển phục vụ bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán về biển và hải đảo, đảm bảo quốc phòng, an ninh và toàn vẹn lãnh hải; tiếp tục phối hợp nhằm thúc đẩy hoạt động của 02 Trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO,..

Thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu

Tuy nhiên, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập hiện nay, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cho rằng, KH&CN cần tiếp tục có sự đổi mới, sáng tạo, cùng với một số lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghệ số (công nghệ số, khoa học về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, tự động hóa, cá thể hóa và chia sẻ các dịch vụ,…) cùng nền tảng về công nghệ sinh học, vật lý và KHCN vật liệu,... sẽ là nền tảng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác giữa hai Bên trong thời gian qua. Với nền tảng thành công trên, Bộ trưởng đề nghị hai Bên cần tiếp tục phối hợp triển khai, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về KH,CN&ĐMST nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hoạt động KH&CN ngày càng hiệu quả, thiết thực.


                                
                                                      Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ

 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu, rà soát một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo ra những sản phẩm chủ lực, tạo sự bứt phá trong nghiên cứu; đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như những dự đoán, dự báo và giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn.

Trên cơ sở tiềm lực của hai Bên, Bộ trưởng cũng lưu ý việc đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, thúc đẩy KH,CN&ĐMST, đóng góp thiết thực hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Châu Văn Minh nhấn mạnh đến sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ phía Bộ KH&CN  thời gian qua. Điều này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giải quyết được nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm có thể kể đến như: Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học trái đất, xử lý sự cố môi trường biển,... qua đó không chỉ góp phần khẳng định vai trò của KH&CN mà còn đóng góp thiết thực vào cuộc sống.


                                 
                                                               Chủ tịch Châu Văn Minh phát biểu tại buổi Lễ

 

Nhằm tiếp nối thành công hơn nữa của Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch Châu Văn Minh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN, đồng thời tin tưởng việc triển khai, phối hợp giữa hai bên sẽ gặt hái được nhiều thành công, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài việc ghi nhận những kết quả nổi bật của Chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang  cho rằng, trước bối cảnh xu thế mới, hai bên cần tiếp tục bám sát Nghị quyết số 20/NQ-TW và Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; rà soát, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới,... đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan giữa hai bên cần tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai Chương trình giai đoạn tới.


                               
                                                          Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi Lễ

 

Trong khuôn khổ buổi Lễ, các đại biểu cũng đã được nghe các ý kiến, chia sẻ, đề xuất giải pháp của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Viện về kinh nghiệm, giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác trong bối cảnh mới. Kết thúc buổi Lễ, hai bên đã tiến hành công bố nội dung Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 và tiến hành ký kết Chương trình phối hợp.


                                  
                        Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch Châu Văn Minh ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025

 

Trước đó, Đoàn Bộ KH&CN đã có chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sỹ tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

                                
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang tham quan tại Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sỹ tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế

https://www.most.gov.vn/

Liên kết