Khoa học và công nghệ: Chìa khóa để ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh, để khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự trở thành chìa khoá trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 30/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “KH&CN - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” và Lễ trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp KH&CN cho GS.TS. Trần Thục. 

Đầu tư vào KH&CN là chìa khóa giải quyết các thách thức

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu chia sẻ nghiên cứu các giải pháp tối ưu để hóa giải các thách thức toàn cầu, khu vực và quốc gia đang phải đối mặt. Qua đó, đánh giá toàn diện những thách thức mới nổi ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia; đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khẳng định, KH&CN đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng như hiện nay. 

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng KH&CN nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những thành tựu đạt được cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, là chìa khóa giải quyết các thách thức. Theo đó, để đạt được kết quả bền vững và toàn diện hơn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành và các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh, KH&CN là chìa khóa để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển ngành khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, thủy lợi, môi trường bền vững. Thứ trưởng mong muốn các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.

Thúc đẩy ứng dụng KH,CN&ĐMST toàn diện trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS. Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thuỷ văn Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, KH&CN giúp việc xác định đo lường rủi ro, chọn biện pháp giảm rủi ro, thực hiện biện pháp giảm rủi ro, đánh giá hiệu quả giảm rủi ro trở nên dễ dàng và chính xác hơn. Đồng thời nhấn mạnh, công tác dự báo khí tượng thủy văn hiện nay cần quan tâm đến các vấn đề như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số (hạ tầng dữ liệu, thiết bị, công nghệ, con người)…

Theo GS.TS. Trần Thục, để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các nhà khoa học cần chuyển tải những thông tin khí tượng thủy văn và hải văn kịp thời, đầy đủ đến cộng đồng dự báo thời tiết nhằm sử dụng có hiệu quả, tạo ra sản phẩm KH&CN, dịch vụ khí hậu...; các viện nghiên cứu, trường đại học cần tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh...

Các chuyên gia trình bày tại Hội thảo đều nhất quán quan điểm, hiện nay trái đất đang đứng trước những thách thức to lớn đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại như: bùng nổ dân số, suy thoái và cạn kiệt của các nguồn tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, những tác động khốc liệt của thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh… Do đó, ứng dụng KH,CN&ĐMST đang được coi là giải pháp nền tảng, căn cơ và là xu thế tất yếu để các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề thời đại. 

Để thúc đẩy KH,CN&ĐMST toàn diện, bên cạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, còn cần có sự đồng hành của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để từng bước đưa tri thức khoa học, công nghệ mới vào thực tiễn, giải quyết được các thách thức đặt ra, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ trao kỷ niệm chương KH&CN của Bộ trưởng Bộ KH&CN trao tặng GS.TS. Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, người đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp KH&CN Việt Nam. GS.TS. Trần Thục là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo với hơn 40 năm cống hiến cho ngành khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu. Sự cống hiến của ông là nguồn động lực to lớn cho cộng đồng KH&CN, cho thế hệ các nhà khoa học học tập và noi theo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trao hoa và kỷ niệm chương cho GS.TS. Trần Thục vì những cống hiến quan trọng của ông cho KH&CN Việt Nam.

Nguồn: https://www.most.gov.vn/

 

Liên kết