Khoa học và công nghệ phải trở thành lực đẩy để Việt Nam tăng trưởng hai con sốKhoa học và công nghệ phải trở thành lực đẩy để Việt Nam tăng trưởng hai con số

Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, khoa học công nghệ (KH&CN) phải góp phần giúp Việt Nam làm chủ các công nghệ chiến lược và đóng góp 1% tăng trưởng GDP của đất nước từ nay đến năm 2030.

Tại buổi làm việc với Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, KH&CN cần có cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế chuyển dịch toàn cầu. Theo ông, nghiên cứu khoa học là hành trình tìm ra những điều chưa biết, là lấy bí mật của trời. Trong khi đó, phát triển công nghệ là cuộc chơi sáng tạo không giới hạn của con người. Sự khác biệt bản chất này đòi hỏi tư duy, cách tổ chức và con người cũng phải khác nhau.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng

Trước làn sóng cạnh tranh toàn cầu về công nghệ, người đứng đầu ngành KH&CN cho rằng, Việt Nam không thể phát triển nếu thiếu tự cường công nghệ. "Muốn trở thành cường quốc, Việt Nam phải lấy KH&CN làm nền tảng, làm trụ cột hiện đại hóa đất nước," Bộ trưởng khẳng định.

Từ nhận thức này, Bộ KH&CN đặt mục tiêu sửa đổi Luật KH&CN theo hướng lấy đổi mới sáng tạo làm trọng tâm, đổi tên thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đổi mới ở đây không chỉ là sáng chế, mà đặc biệt nhấn mạnh đến ứng dụng, điều có ý nghĩa sống còn với quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, KH&CN phải gắn chặt với chuyển đổi số vừa là quan hệ sản xuất, vừa là phương thức sản xuất mới. Đồng thời, mọi nỗ lực KH&CN phải hướng đến đầu ra cụ thể: nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng sống người dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia.

“Chúng ta phải đặt ra một tuyên ngôn rõ ràng cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: không chỉ nghiên cứu mà phải tạo ra giá trị thực tiễn,” Bộ trưởng nhấn mạnh. Trong đó, thách thức lớn nhất là làm sao để KH&CN góp phần giúp Việt Nam đạt tăng trưởng hai con số, trở thành nước phát triển trước năm 2045.

Theo Bộ trưởng, một thay đổi căn bản trong điều hành chính sách là cơ cấu lại chi ngân sách KH&CN: 80% dành cho doanh nghiệp, 20% cho viện, trường. Mục tiêu là tạo cú hích thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân, kéo theo sự lan tỏa nhanh và hiệu quả hơn. Theo Bộ trưởng, mỗi đồng ngân sách nhà nước cho KH&CN phải tạo hiệu ứng “kéo” được 3-4 đồng từ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo, nhiều nước thất bại dù chi ngân sách lớn, vì không kéo được nguồn lực xã hội cùng tham gia. Do đó, Việt Nam cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch, đo lường hiệu quả chi tiêu KH&CN, đồng thời chuyển trọng tâm tài trợ từ viện nghiên cứu sang doanh nghiệp.

Đi liền với đó, Bộ trưởng đưa ra thông điệp hành động gửi tới cộng đồng khoa học: "Cơ chế đã mở, thì nghiên cứu phải hiệu quả. Đây là lúc hành động, hành động có trách nhiệm, hành động tạo ra giá trị."

Theo ông, việc phát triển công nghệ cần tập trung vào các công nghệ chiến lược là những lĩnh vực có khả năng tạo đột phá, giá trị gia tăng cao, nền tảng cho các ngành công nghiệp tương lai. Nghiên cứu cơ bản cần đặt tại các trường đại học, còn phát triển công nghệ nên giao cho doanh nghiệp và viện công nghệ.

Ngoài ra, cần đầu tư mạnh cho hạ tầng KH&CN, nâng cấp phòng thí nghiệm hiện đại, đồng thời khuyến khích sử dụng trợ lý ảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và quản lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, công nghệ chỉ hiệu quả khi người dùng có tư duy đúng, nền tảng kiến thức tốt và biết cách đặt câu hỏi đúng.

Bộ KH&CN cũng xác định rõ vai trò trong việc kiểm soát đầu ra của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN, đảm bảo hiệu quả thực chất. Các vụ chuyên môn được yêu cầu xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đo lường hiệu quả chi tiêu, tránh dàn trải, hình thức.

"KH&CN không còn là một hệ đếm đầu vào, mà phải được đánh giá bằng hiệu quả đầu ra," Bộ trưởng khẳng định. Chỉ khi khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, giải quyết được bài toán phát triển của đất nước, thì mới thực sự là động lực đổi mới quốc gia.

Nguồn: https://vietq.vn/

Liên kết