Kiến nghị giải pháp nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (TCĐLCL) đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành TCĐLCL. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, vì khi chuyển sang phương thức làm việc mới đòi hỏi phải thay đổi nhận thức, phương thức làm việc…

Đây là một trong các nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường, thúc đẩy công tác TCĐLCL trong giai đoạn tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” do Tổng cục TCĐLCL tổ chức ngày 5/4/2023, tại Hà Nội.
 

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia thuộc lĩnh vực TCĐLCL. Thông qua Hội thảo, các tư liệu, luận cứ khoa học được thảo luận, phân tích đã làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của ngành TCĐLCL; đồng thời kiến nghị những định hướng, giải pháp góp phần nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của Tổng cục TCĐLCL trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. 

Một trong số ít ngành đã xây dựng được đủ 3 Đạo Luật chuyên ngành

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, hoạt động TCĐLCL đã trải qua chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao thế hệ cán bộ ngành TCĐLCL đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng tốt nhiều cơ hội để tăng cường năng lực và đổi mới phương thức hoạt động, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của Việt Nam, thể hiện sự năng động, nhạy bén, gắn KH&CN với thực tiễn sản xuất và đời sống của đất nước thời gian qua.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ngành TCĐLCL trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước. TCĐLCL là một trong số ít ngành đã xây dựng được đủ 3 Đạo Luật chuyên ngành (Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá) bao quát cả 3 mặt hoạt động chủ yếu của ngành. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã và đang được hoàn thiện, là cơ sở cho việc quản lý thống nhất của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo đo lường, quản lý chất lượng và các hoạt động liên quan khác. Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phát triển cả về số lượng, chất lượng, có trình độ kiến thức và kỹ năng được cập nhật, nâng cao thường xuyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế trong hoạt động TCĐLCL như: công tác đầu tư và phát triển các tổ chức kỹ thuật về TCĐLCL chưa đồng bộ; chưa coi hoạt động TCĐLCL là công cụ thiết yếu trong quá trình nghiên cứu làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, trong quá trình sản xuất, sử dụng trang thiết bị thuộc công nghiệp quốc phòng, an ninh...

Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp đã “Báo cáo Đánh giá về công tác TCĐLCL trong giai đoạn vừa qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn tới”. Trong đó tập trung vào 3 nội dung chính: báo cáo sơ bộ về thực trạng hoạt động ngành TCĐLCL; một số khó khăn, hạn chế đối với lĩnh vực TCĐLCL; đề xuất định hướng nâng cao hoạt động của ngành.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành TCĐLCL nói riêng: “Theo đó, toàn bộ dữ liệu số trong ngành TCĐLCL sẽ trở thành dữ liệu của quốc gia, vì vậy chúng ta cần hình thành các cơ chế, cách thức chia sẻ nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả, triệt để kho dữ liệu nêu trên”.
 

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp báo cáo tại Hội thảo.

Kiến nghị các giải pháp

Trao đổi liên quan đến sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy, Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Mai Hương đã báo cáo về “Một số định hướng sửa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật có liên quan”. Báo cáo cho biết, qua 15, 16 năm triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế; đặc biệt việc thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp của Việt Nam.
 

Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy Nguyễn Thị Mai Hương báo cáo tại Hội thảo.

Bản báo cáo kiến nghị 7 định hướng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật bao gồm: Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp;  Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành, áp dụng TCVN, QCVN, QCĐP; Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy cách kỹ thuật, đồng thời đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn; Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật TCVN, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương; có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Trong bài trình bày về “Hiện trạng và định hướng phát triển hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp cho biết, tính đến ngày 30/12/2022, có 1.582 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Tổng cục TCĐLCL cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp. Số lượng các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam thuộc hàng đầu ASEAN. Tuy nhiên hoạt động này cũng có một số bất cập cần điều chỉnh như: cần quy hoạch lại hệ thống tổ chức dịch vụ TCĐLCL để tối ưu hóa nguồn lực xã hội và phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội; hình thành và phát triển các các tổ chức công nhận quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc gia, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn quốc gia; cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm; thống nhất định hướng quản lý hoạt động công nhận, thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước để bảo đảm thực hiện các FTA thế hệ mới, các Điều ước quốc tế…
 


Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp Trần Quốc Dũng báo cáo tại Hội thảo.

Tập trung vào 5 hoạt động chính
 

Đoàn Chủ tịch điều hành buổi thảo luận.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng cũng lưu ý ngành TCĐLCL cần tiếp tục tập trung vào 5 hoạt động chính:

1. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng các chính sách phát triển hoạt động TCĐLCL bảo đảm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổ chức triển khai có hiệu quả các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 1322; 996; 100 để tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đạt năng suất, chất lượng cao).

2. Chú trọng phát triển các nguồn lực, trong đó đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cả về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ thuật; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối cấp quốc gia thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TCĐLCL từ Trung ương tới địa phương.

3. Xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đủ để phục vụ quản lý, sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

4. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về TCĐLCL nhằm thúc đẩy hợp tác với các tổ chức TCĐLCL quốc tế và khu vực.

5. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tư vấn, dịch vụ về TCĐLCL để truyền bá, phổ biến, tuyên truyền nhanh các kiến thức về TCĐLCL cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Liên kết