Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có tiềm năng mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), nhờ vào tầm nhìn chiến lược và lợi thế dân số trẻ. Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng đã sớm nhận ra cơ hội từ AI, thể hiện qua việc từ năm 2021 đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Đây là một bước đi quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ này vào mọi khía cạnh của nền kinh tế - xã hội.
Việt Nam đang tận dụng lợi thế của một dân số trẻ và am hiểu công nghệ, với 70% người dân dưới 35 tuổi. Đặc biệt, nền kinh tế internet của Việt Nam đang phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á, tạo điều kiện lý tưởng cho việc ứng dụng AI.
Theo dự báo, đến năm 2030, công nghệ số, bao gồm AI, sẽ đóng góp 27% GDP, tương đương 1.733 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 74 tỷ USD. Trong lĩnh vực nông nghiệp, AI và các công nghệ như blockchain có thể đóng góp hơn 302 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế, giúp tăng năng suất và tối ưu hóa sản xuất.
"Những con số này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của AI mà còn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc dẫn đầu khu vực về ứng dụng công nghệ số", ông Thịnh nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm AI trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 - AI4VN 2024.
Theo chuyên gia, hệ sinh thái AI của Việt Nam cũng đang có những bước phát triển đáng khích lệ. Dẫn một báo cáo vừa công bố, ông Thịnh cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng startup trong lĩnh vực AI, chỉ xếp sau Singapore và vượt xa các nước như Malaysia và Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, áp dụng AI vào nhiều lĩnh vực như giao hàng thực phẩm, thiết bị nông nghiệp chính xác, khám chữa bệnh từ xa, và thậm chí trong việc dự báo thiên tai. Những ứng dụng này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc NIC nhận định, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức đáng kể. Một số ngành nghề truyền thống như quảng cáo, dịch thuật, thiết kế kiến trúc, và sản xuất âm nhạc đang phải đối mặt với sự thay đổi lớn do AI. Các ứng dụng AI ngày càng phổ biến, cho phép người dùng tự tạo ra sản phẩm thay vì cần đến nhân lực chuyên môn. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm hoặc thậm chí biến mất của một số ngành nghề, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của thị trường lao động.
Một thách thức lớn khác là sự cạnh tranh xuyên biên giới ngày càng gay gắt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và AI. Hệ sinh thái AI của Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh từ các quốc gia phát triển hơn, trong khi nguồn lực trong nước vẫn còn hạn chế. Dù đã có chiến lược quốc gia về AI, việc triển khai chi tiết ở cấp địa phương và ngành nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để vượt qua những thách thức này, ông Thịnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược AI linh hoạt và phù hợp với từng địa phương cũng như từng doanh nghiệp. Ông cho rằng không có một mô hình chung nào có thể áp dụng cho mọi nơi, bởi mỗi tỉnh thành, mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng. Ví dụ, chiến lược AI ở TP Hồ Chí Minh sẽ khác biệt so với Hà Nội hay các tỉnh có đặc thù nông nghiệp như Ninh Bình.
Cũng theo ông Thịnh, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là thúc đẩy ứng dụng AI trong khu vực công, nơi vẫn còn khoảng cách lớn so với khu vực tư nhân. Hầu hết các cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, thuế, hải quan, môi trường, và quy hoạch đều chưa được tích hợp AI, gây lãng phí tài nguyên dữ liệu. Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội Luật Dữ liệu nhằm khuyến khích chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công và tư nhân, tạo nền tảng cho sự phát triển AI toàn diện hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chú trọng phát triển năng lực nhân lực AI thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng. Các tập đoàn lớn như FPT đã đi đầu trong việc đào tạo và tuyển dụng hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm. Đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ phát triển nguồn nhân lực nội địa mà còn gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chiến lược nâng cao năng lực lao động của Việt Nam tập trung vào các chương trình đào tạo ngắn hạn để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, việc tạo ra môi trường thuận lợi cho AI cũng được đặc biệt chú trọng. Chính phủ đang tích cực xây dựng các "sandbox" – môi trường thử nghiệm có kiểm soát – để các doanh nghiệp và startup AI có không gian phát triển. Trong hai năm qua, các thảo luận về sandbox và việc sửa đổi các luật liên quan đến dữ liệu đã trở thành trọng tâm trong các chương trình nghị sự của Quốc hội.
"Với những tiềm năng và cơ hội hiện tại, Việt Nam cần một ban chỉ đạo quốc gia về AI để điều phối các nguồn lực và tối ưu hóa chiến lược. Đây là bước đi quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực, tận dụng tối đa sức mạnh của AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo", chuyên gia khuyến nghị.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/kien-nghi-lap-ban-chi-dao-quoc-gia-ve-ai-de-thuc-day-doi-moi-sang-tao/20241116044249176