Kinh nghiệm một số nước về nhãn điện tử trong quản lý chất lượng

Ngày 23/2, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức hội thảo công tác chuyên môn tháng 01/2024 với chuyên đề “Kinh nghiệm một số nước về nhãn điện tử trong quản lý chất lượng”.

Tham dự hội thảo có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng, bà Cao Thị Bích Hà – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL), cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Trình bày kinh nghiệm một số nước về nhãn điện tử trong quản lý chất lượng, bà Cao Thị Bích Hà – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa cho hay, nhãn điện tử là phương án thay thế mà nhà sản xuất có thể tự nguyện áp dụng để chuyển tải thông tin tuân thủ thường thể hiện bằng nhãn vật lý dán, gắn hoặc khắc trên sản phẩm. Nhãn điện tử không tay thế hoàn toàn cho nhãn vật lý.

Cũng theo bà Hà, nhãn điện tử giúp cập nhật thông tin doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, tìm hiểu về doanh nghiệp mà mình quan tâm thông qua các trang web. Ngoài ra, nhãn điện tử còn giúp cơ quan quản lý có thể nắm bắt thông tin doanh nghiệp từ xa nhằm quản lý hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giúp bảo vệ môi trường.

Bà Cao Thị Bích Hà – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chia sẻ quy định về nhãn điện tử tại một số nước, bà Hà cho biết, tại Malaysia, Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) đã ban hành các quy tắc cho phép sản phẩm truyền thông có màn hình tích hợp sử dụng nhãn điện tử; Hay tại Nhật Bản cho phép các tài liệu đi kèm với thiết bị phải chỉ cho người dùng biết nhãn điện tử hiển thị như thế nào; Tại Ghana, nhãn điện tử được chấp nhận thay cho nhãn vật lý, tuy nhiên, trách nhiệm của nhà sản xuất là đảm bảo rằng nhãn điện tử không thể bị sửa đổi;

Tại Canada, Bộ Công nghiệp nước này đã ban hành quy định cho phép hiển thị thông tin nhãn bắt buộc bằng hình thức điện tử thay cho nhãn vật lý hoặc bảng tên; Các thiết bị không có màn hình hiển thị tích hợp được phép hiển thị thông tin nhãn điện tử thông qua tin nhắn bằng giọng nói hoặc một màn hình hiển thị của thiết bị chủ được kết nối vật lý, ví dụ như Bluetooth, Wi-Fi,…;

Liên minh châu Âu cho phép sử dụng nhãn điện tử đối với thiết bị y tế, trọng tâm là chuyển tải các chỉ dẫn sử dụng bằng phương thức điện tử thay vì thông qua tờ rơi bằng giấy; Tại Singapore, từ năm 2012 đã cho phép sử dụng nhãn điện tử là nhãn tuân thủ cho các thiết bị có màn hình tích hợp. 

Tại Nam Phi, năm 2016, nước này đã phát hành Công báo số 36786 cho phép dán nhãn điện tử thay thế các sản phẩm có màn hình tách rời, tài liệu sản phẩm đi kèm phải giải thích cách hiển thị nhãn; Tại New Zealand hiển thị nhãn tuân thủ với các sản phẩm có màn hình tích hợp, tài liệu đi kèm sản phẩm phải giải thích cách hiển thị nhãn và áp dụng theo cách khó xóa, khó sửa hoặc ngăn chặn việc hiển thị nhãn.

Trong khuổn khổ hội thảo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa chia sẻ thêm hướng dẫn sử dụng đối với sản phẩm thuốc theo phương thức điện tử tại một số nước. Theo đó, hạn sử dụng thường thể hiện trên bao bì thương mại và chủ yếu tập trung đến phê duyệt nội dung, duy trì thông tin sản phẩm sau khi được phê duyệt dẫn đến thiếu tập trung cách nhãn thuốc được tiếp cận, sử dụng, hiểu và tuân thủ trong thực tế. Chính vì vậy, cần thay đổi hướng tiếp cận hạn sử dụng thông thường sang hạn sử dụng điện tử.

Đối với cơ quan quản lý, hạn sử dụng điện tử giúp chia sẻ thông tin nhanh hơn, đảm bảo chính xác, giảm nguồn lực, thời gian chờ để đưa thuốc mới về thị trường, góp phần phát triển y tế điện tử. Đối với doanh nghiệp, cán bộ y tế và bệnh nhân, khả năng tiếp cận và điều chỉnh thông tin theo từng trường hợp, khả năng đọc và tìm kiếm tốt hơn, hỗ trợ giảm tình trạng thiếu thuốc, giảm rác thải và ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, hạn sử dụng điện tử vẫn còn những hạn chế như yêu cầu hiểu biết về công nghệ, chẳng hạn như người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong truy cập. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn hoặc tình huống khẩn cấp không truy cập được Internet hoặc không có kết nối Internet. 

“Có thể thấy, hạn sử dụng điện tử đáp ứng thách thức trong đại dịch và là phương pháp trọng yếu để cung cấp vắc xin/thuốc một cách nhanh chóng và trên phạm vi toàn cầu”, bà Hà nhấn mạnh.

Thông tin về mối liên hệ giữa truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn điện tử, bà Hà cho hay, một mã vạch duy nhất có thể được sử dụng cho cả mục đích nhận dạng và truy xuất nguồn gốc cũng như truy cập nội dung số (như nhãn điện tử) bằng công nghệ liên kết kỹ thuật số. Phương pháp này giúp đơn giản hóa nhãn và giảm rủi ro nhầm lẫn.

Truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn điện tử tùy thuộc vào thực trạng và ưu tiên của từng quốc gia cho từng giai đoạn. Đối với quốc gia chưa áp dụng e-labeling và truy xuất nguồn gốc, có 2 lựa chọn: Bắt đầu bằng mã QR cho e-labeling – dễ dàng thực hiện, đẩy nhanh quá trình triển khai e-labeling, sớm mang lại lợi ích cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Tuy nhiên khi triển khai truy xuất nguồn gốc sẽ cần mã bổ sung (như GS1) hoặc thay đổi mã để tích hợp cả 2 vì QR code không được khuyến cáo cho truy xuất nguồn gốc; Bắt đầu với mã GS1 cho cả e-labeling và truy xuất nguồn gốc – việc triển khai sẽ mất nhiều thời gian, cần nhiều nguồn lực hơn (cần có ứng dụng riêng để quét mã).

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Tại Việt Nam, chúng ta đã ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là bước tiến lớn, đi trước đón đầu trong việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ 4.0 phù hợp xu thế quốc tế.

Tại hội thảo cũng diễn ra phần thảo luận, giải đáp những thắc mắc, khó khăn giữa chuyên gia và các đại biểu tham dự.

Nguồn: st https://tcvn.gov.vn/

Liên kết