Kinh tế Hưng Yên vững vàng tăng trưởng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Nhiều ngành, lĩnh vực đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng để Hưng Yên thực hiện thắng lợi kế hoạch, mục tiêu kinh tế năm 2024 đã đề ra.

 Sản xuất tại Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (thị xã Mỹ Hào)

 Sản xuất tại Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (thị xã Mỹ Hào)

Quý III năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP)  trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,8%, tính chung 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước tăng 8,07%. So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, tăng trưởng 9 tháng năm 2024 của Hưng Yên xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố và xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Tổng thu ngân sách đến ngày 30/9/2024 ước thực hiện 30.180 tỷ đồng, đạt 91,9% dự toán giao, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Đóng góp nổi bật và khẳng định vai trò nền tảng quan trọng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 là lĩnh vực công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đang có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,10%; sản xuất, phân phối điện tăng 11,96%; cung cấp nước, hợp đồng quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,46%. Đặc biệt hai ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp là sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn với mức tăng 23,21% và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 37,92%. 

Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng thêm là trên 26.557 tỷ đồng và 645,36 triệu USD. Đồng thời thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 89 lượt dự án với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm gần  5.370 tỷ đồng và 83,46  triệu USD. Thành lập mới 1.554 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 31 nghìn tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh trong toàn tỉnh lên trên 18 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt trên 235 nghìn tỷ đồng.

Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới để quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thu hút đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, tiếp nhận các kiến nghị để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2024 ước đạt 49.012 tỷ đồng, tăng 5,78% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024, hoạt động xây dựng tiếp tục duy trì tăng trưởng khá ở quý III và cả 9 tháng nhờ hoạt động xây dựng nhà các loại tăng, trong đó, chủ yếu từ các dự án như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park Hưng Yên, Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark). Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng từ nguồn vốn đầu tư công được các cấp, các ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đã tác động khá đến tăng trưởng ngành xây dựng. Kết quả giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh năm 2010 của toàn tỉnh) 9 tháng năm 2024 ước đạt 19.709 tỷ đồng, tăng 17,05% so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện nay, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng xác định rõ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, do đó, tỉnh vẫn luôn chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững. Năm nay, tuy chịu nhiều tác động bất lợi từ yếu tố thời tiết, đặc biệt bão số 3, lũ lụt trong tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại lớn đến cây trồng, thủy sản… Tuy vậy ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng là 1,71%. 

Tương tự như nông nghiệp, một số ngành dịch vụ bị ảnh hưởng do mưa, bão nên có mức tăng trưởng thấp hoặc âm như: Vận tải, kho bãi; dịch vụ ăn uống... Kéo theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 ước tính giảm 3,24% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu lại có mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt trên 5.419 triệu USD, tăng 18,8%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 4.324 triệu USD, tăng 20%. Chính điều này đã giúp bức tranh kinh tế của ngành có thêm gam màu sáng với mức tăng trưởng lĩnh vực thương mại - dịch vụ 9 tháng năm 2024 đạt 2,59%.

Sản xuất tại Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên (thành phố Hưng Yên)

Sản xuất tại Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên (thành phố Hưng Yên)

Kết quả phát triển kinh tế của 9 tháng năm 2024 đã phản ánh rõ hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, linh hoạt của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra những chủ trương đúng đắn thông qua các nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo chỉ đạo; HĐND tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời; UBND tỉnh luôn quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, trong đó, đặc biệt là thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Xác định rõ, để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được xem là nhân tố quyết định. Theo đó, UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có xếp hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có xếp hạng thấp của các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS... Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng cụ thể, trọng tâm, trọng điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc giới thiệu, quảng bá và xúc tiến đầu tư. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, ra quyết định đầu tư, chú trọng thu hút các dự án lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa mạnh để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Nguồn: https://baohungyen.vn

Liên kết