Mở ra cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia

Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2024, Việt Nam và Australia ngày càng phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Chuyến thăm và làm việc tại Australia mới đây của Đoàn công tác của Bộ KH&CN do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã mở ra cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST.

Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia.

Tại buổi làm việc với Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia, bà Helen Wilson, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia bày tỏ sự cảm ơn và kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người đã luôn lãnh đạo, ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia. Đồng thời, Bà cũng bày tỏ sự xúc động và chia buồn đối với người dân Việt Nam trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cảm ơn tình cảm của Chính phủ Australia đối với sự ra đi của Tổng Bí thư. Đồng thời, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của phía Bạn và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam với Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia trong thời gian qua. 

Thứ trưởng đã trao đổi một số nội dung về Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành. Bộ KH&CN đang thực hiện một số nội dung trọng tâm ưu tiên hiện nay như: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KH,CN&ĐMST thông qua việc sửa đổi Luật KH&CN 2013 hướng tới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử… Bên cạnh đó, các vấn đề phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu… cũng là một ưu tiên lớn của Bộ KH&CN. Để làm tốt nhiệm vụ này, Bộ KH&CN rất cần sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt các chuyên gia của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia trong việc hỗ trợ, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn có tính chứng thực cao, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tại buổi làm việc, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển KH&CN, những lĩnh vực định hướng ưu tiên của Chính phủ Australia (năng lượng tái tạo, các ngành sản xuất tiên tiến, công nghệ giảm phát thải, y tế phục vụ sức khoẻ cộng đồng…), những chính sách liên quan bảo vệ tài sản trí tuệ, thu hút sự tham gia và tài trợ của cộng đồng quốc tế (song phương và đa phương) đối với các dự án nghiên cứu…

 

Thứ trưởng Trần Hồng Thái tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia.

Trong thời gian qua, Chính phủ Australia đã thông qua nhiều chương trình hỗ trợ giúp Việt Nam xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng, phát triển KH&CN và công nghệ số. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài Nguyên Australia tin tưởng và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp quản lý, triển khai hiệu quả các Chương trình hợp tác để phát triển, kết nối mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước, phục vụ thiết thực các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên KH,CN&ĐMST cũng như thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

 

Đoàn công tác của Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài Nguyên Australia chụp ảnh kỷ niệm.

Tại buổi làm việc với Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC), Thứ trưởng Trần Hồng Thái đánh giá cao sự hợp tác của Hội đồng và bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp của Hội đồng dành cho Đoàn.

 

Đoàn công tác làm việc với ARC.

Thứ trưởng mong muốn Hội đồng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tổ chức, hoạt động tài trợ (xét và phê duyệt các đề xuất), mô hình quản lý tài chính (việc cấp tiền thực hiện nghiên cứu và giám sát), công tác kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu các đề tài KH&CN, công tác xử lý tài sản đề tài, định giá sản phẩm/tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu, vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu. 

ARC đã chia sẻ cách thức hoạt động của Hội đồng; vai trò của Hội đồng trong tài trợ các nghiên cứu cơ bản; sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; quy trình xem xét, đánh giá, cấp kinh phí và quản lý nhiệm vụ KH&CN; sự kết nối giữa nhóm nghiên cứu cơ bản với các Bộ, ngành, doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu đạt hiệu quả cao.

Hai bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và đề xuất hướng hợp tác về hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian tới: đào tạo, trao đổi cán bộ/chuyên gia, xây dựng các dự án nghiên cứu chung, tăng cường hợp tác tài trợ nghiên cứu, sử dụng nguồn kinh phí Việt Nam, Australia và các nguồn tài trợ đa phương khác.

 

Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm với Hội đồng Nghiên cứu Australia. 

Tại buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã cảm ơn Đại sứ Phạm Hùng Tâm và các lãnh đạo, cán bộ Đại sứ quán đã tiếp đón Đoàn công tác của Bộ KH&CN. Chia sẻ với Đại sứ Phạm Hùng Tâm về chuyến công tác tại Australia lần này, Thứ trưởng cho biết, Đoàn đã làm việc với Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia, một số Trường Đại học lớn (RMIT, Monash, Melbourne), Hội đồng Nghiên cứu Australia, Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Thànhh phố Melbourne… nhằm tạo cơ hội, thúc đẩy hợp tác KH,CN&ĐMST giữa Việt Nam và Australia.

 

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Công tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm đã thông tin với Thứ trưởng Trần Hồng Thái và Đoàn công tác về tình hình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt là sau khi hai nước chính thức là Đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ quán Việt Nam tại Úc sẽ luôn là cầu nối tích cực góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia.

 

Thứ trưởng Trần Hồng Thái tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm.

Nguồn: https://www.most.gov.vn/

Liên kết