TRẦN QUỐC VĂN
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên, cụ thể hóa khát vọng, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn tỉnh.
Theo quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại
Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Với vị trí thuận lợi, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để tham gia vào sự hợp tác phát triển chung của vùng và cả nước.
Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2111/QĐ-TTg ngày 28/11/2011, đã có nhiều yếu tố mới của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tác động tích cực đến tỉnh. Tỉnh nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 10,71%, cao hơn gấp đôi tốc độ bình quân của cả nước (5,24%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ trọng chủ yếu (năm 2023, khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 7% GRDP; năm 2011 chiếm 24%); thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch (năm 2023 đạt 33.100 tỷ đồng, năm 2011 đạt 4.058 tỷ đồng). Năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách cao nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất; xếp hạng quy mô kinh tế của tỉnh vươn lên vị trí thứ 16/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 12/63. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn được đầu tư đồng bộ với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều công trình, dự án mang tính động lực, tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án mở rộng, nâng cấp đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đường Tân Phúc - Võng Phan, các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp...
Bối cảnh chung và thực tiễn phát triển địa phương đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách triển khai nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như các yêu cầu, mục tiêu phát triển tỉnh trong tình hình mới.
Thực hiện Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 19/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức lập quy hoạch theo trình tự, thủ tục quy định. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu khai thác, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng riêng có, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của Hưng Yên như bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, khai thác thế mạnh liên kết vùng… góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Hưng Yên ngày càng hưng thịnh và yên bình, trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, hiện đại.
Quan điểm phát triển của tỉnh được xác định tại Quy hoạch tỉnh là: Phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án đầu tư lớn có công nghệ hiện đại; phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu du lịch, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, thương mại, các khu chức năng khác có quy mô lớn, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Quy hoạch tỉnh xác định tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh theo mô hình tổ chức không gian “2 vùng động lực, 2 hành lang kinh tế, 5 trục phát triển, 3 trung tâm tăng trưởng”. Trong đó, 2 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng. Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế (quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng). 2 hành lang kinh tế gồm: Hành lang công nghiệp - đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “di sản” ven sông Hồng.
Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Quy hoạch tỉnh định hình 3 khâu đột phá chiến lược để xây dựng, phát triển tỉnh gồm: Một là, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu đô thị mới, hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, hạ tầng năng lượng, viễn thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Hai là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại và thu hút lao động chất lượng cao từ ngoài tỉnh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và triển khai các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phát huy bản sắc văn hóa con người Hưng Yên “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ba là, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số gắn với thu hút các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, phát triển, triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Với các mục tiêu được phê duyệt trong Quy hoạch, tỉnh đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, bố trí nguồn vốn đầu tư ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng nhằm dẫn dắt, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững các vùng động lực tăng trưởng của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút nguồn lực cho phát triển như: Cơ chế, chính sách phát triển vùng động lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chính sách phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị toàn cầu để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm bảo đảm sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường. Thực hiện tốt công tác bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung quy hoạch thành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, toàn diện trên các mặt thể chế, chính sách; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức; chế độ công vụ; tài chính công; xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng dịch vụ công, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải các-bon thấp. Phát triển các ngành dịch vụ mà tỉnh Hưng Yên có thế mạnh và điều kiện phát triển, nhất là du lịch, vận tải, logistics, thương mại, khoa học - công nghệ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng. Cơ cấu lại, phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản xuất chuyên canh, quy mô lớn và giá trị gia tăng cao; phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh, đặc sản, cây trồng, vật nuôi và nông sản mà tỉnh Hưng Yên có thế mạnh.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sản phẩm kết tinh từ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối lãnh đạo phát triển đất nước của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về định hướng phát triển tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của HĐND, UBND tỉnh. Quy hoạch mở ra không gian mới, động lực tăng trưởng mạnh mẽ là tiền đề để tỉnh Hưng Yên tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế trên con đường phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng trong thời kỳ mới.
Nguồn:https://baohungyen.vn/