Ngày 28/6, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức khóa đào tạo ISO 14068-1:2023 Trung hòa carbon – các yêu cầu.
Tham dự khóa đào tạo có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ), các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Ủy ban tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại khóa học, TS. Hiệp cho biết, vấn đề khí nhà kính đang được quan tâm trên toàn thế giới. Thông qua khóa đào tạo sẽ giúp mọi người có cơ hội học tập, tiếp thu kiến thức, đồng thời hướng đến hoạt động phát triển của STAMEQ. Đây cũng là nội dung gắn trực tiếp với chương trình trung hòa carbon, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính – một trong sáu chương trình triển khai tầm nhìn của STAMEQ.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
Khóa đào tạo với mục đích phác thảo các nguyên tắc, yêu cầu, điều khoản và hướng dẫn chính của ISO 14068-1; Mô tả mối quan hệ giữa ISO 14068-1 và bộ tiêu chuẩn ISO rộng hơn nhằm giải quyết vấn đề phát thải KNK và quản lý môi trường; Xây dựng kế hoạch trung hòa carbon: Định lượng, giảm thiểu, bù đắp và báo cáo; Chuẩn bị, lập thành văn bản kế hoạch quản lý trung hòa carbon; Tuyên bố và duy trì trạng thái trung hòa carbon.
Tại khóa đào tạo, ông Đặng Đình Chi – Giảng viên Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã có bài chia sẻ về ISO 14068-1:2023 trung hòa carbon – các yêu cầu.
Theo ông Chi, biến đổi khí hậu xuất hiện kể từ khi bắt đầu Cách mạng Công nghiệp, con người can thiệp vào sự cân bằng năng lượng của hành tinh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu chủ yếu thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch để bổ sung carbon dioxide vào không khí, thay đổi dài hạn của các kiểu thời tiết trung bình, thay đổi quan sát được về khí hậu Trái đất, chủ yếu do hoạt động của con người gây ra; Các nhà khoa học sử dụng quan sát có thể đo lường được biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính là cách nhiệt bị giữ lại gần bề mặt Trái đất bởi “khí nhà kính”.
Ông Đặng Đình Chi – Giảng viên BSI chia sẻ tại khóa đào tạo.
Hiện nay có bảy loại khí được liệt kê trong Nghị định thư Kyoto: Carbon dioxide (CO2), Nitrous oxide (N2O), Methane (CH4), Hydrofluorocarbons (HFCs), Perfluorocarbons (PFCs), Nitrogen trifluoride (NF3), Sulfur hexafluoride (SF6).
Theo ông Chi, C02 là nguyên nhân gây ra hầu hết sự nóng lên trên hành tinh, đóng vai trò là cơ sở để so sánh. Để tránh thay đổi khó lường và không thể kiểm soát của khí hậu, cần hành động nhanh chóng và phối hợp, thực hiện chiến lược toàn diện nhằm giảm lượng khí thải carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới cuộc sống bền vững. Để đạt được trung hoà carbon cần giảm phát thải khí nhà kính trong ranh giới riêng, bù đắp bằng giảm lượng phát thải và loại bỏ khí nhà kính ngoài ranh giới.
Đông đảo học viên tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các chính phủ và tổ chức giờ đây có thể ủng hộ cam kết về giảm lượng khí thải carbon bằng hành động đáng tin cậy sử dụng các tiêu chuẩn ISO. Một trong số đó là ISO 14068-1.
Lợi ích của việc áp dụng và kiểm tra xác nhận theo ISO 14068-1, đó là định lượng và giảm phát thải KNK một cách nhất quán, minh bạch và có thể lặp lại; Tiết kiệm chi phí bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu phát thải KNK; Đáp ứng yêu cầu pháp lý và kỳ vọng của ngành liên quan đến việc giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C; Xác định các lĩnh vực kém hiệu quả và cải thiện tổng thể kết quả thực hiện một cách có kế hoạch và dựa trên cơ sở khoa học; Đạt được sự tín nhiệm và lợi thế cạnh tranh với tuyên bố trung hòa carbon được kiểm tra xác nhận độc lập; Xây dựng niềm tin với khách hàng và các bên liên quan khác bằng cách vượt qua sự không chắc chắn và hoài nghi của họ; Sử dụng một khuôn khổ có thể giúp đưa ra định hướng cho tổ chức về những việc cần làm.
Theo nhận định của ông Chi, để trung hòa carbon cần có 6 bước: bước 1 là cam kết; bước 2 là lựa chọn chủ đề và ranh giới; bước 3 là định lượng phát thải và loại bỏ; bước 4 là kế hoạch trung hòa carbon; bước 5 là thực hiện giảm và loại bỏ khí nhà kính; bước 6 là bù đắp, kiểm tra xác nhận và tuyên bố trung hòa carbon.
Nguồn: https://tcvn.gov.vn/