Lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân cần được đẩy mạnh hơn nữa để tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân cần được đẩy mạnh hơn nữa để tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu phiên họp
Ngày 21/8, tại Hà Nội, Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia họp Phiên toàn thể năm 2024. Đây là Phiên họp đầu tiên được tổ chức sau khi thành phần Hội đồng được kiện toàn theo Quyết định số 254 ngày 29/2/2024 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng.
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, các kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn.
Bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, KH&CN nói chung, lĩnh vực KH&CN hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa để tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với hồ sơ dự thảo Quy hoạch; đưa ra các đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh trong Luật Năng lượng nguyên tử 2008 sửa đổi cũng như đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, định hướng phát triển và triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử Việt Nam trong giai đoạn tới.
Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết, dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng nhằm giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp tích cực, trực tiếp và hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác.
Đồng thời dự thảo Quy hoạch đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực.
Hiện nay tiềm lực KH&CN hạt nhân của nước ta đang ở vị trí khá thấp so với các nước thuộc khu vực châu Á và ở mức trung bình trong các nước Đông Nam Á.
Nâng cao tiềm lực, trình độ KH&CN hạt nhân là rất cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn như nâng cao chất lượng, an toàn sản xuất; chăm sóc, điều trị bệnh; chất lượng giống cây trồng và có những đóng góp bước đầu trong địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường; hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn bức xạ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị trong thời gian tới, Hội đồng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác triển khai thực hiện Quy hoạch bảo đảm hiệu quả, khả thi.
Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề trọng tâm như: Phát triển tiềm lực KH&CN hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng cho ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội, xây dựng và triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân cũng như phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân trong tương lai.
Hội đồng cũng cần đề xuất các định hướng nghiên cứu cho Chương trình KH&CN cấp quốc gia về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, phù hợp với thực tiễn và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn tới...
Nguồn:https://baochinhphu.vn/