Nghề lạ ở Việt Nam: Bỏ việc ngân hàng về nuôi loài không cần cho ăn, không phải chăm sóc nhiều vẫn lãi to

Đặc điểm của loài này là dễ nuôi, ít bệnh mà người nuôi không cần chăm sóc, cũng không tốn tiền để mua thức ăn.

Nuôi ong là nghề đã có mặt tại nước ta từ xưa đến nay, vẫn thường được mệnh danh là nghề khó, vất vả và đầy bấp bênh. Vì vậy, số lượng người theo đuổi công việc này lâu dài không nhiều.

Thời gian gần đây, một loài ong mới đã được phát triển rộng rãi ở khắp nước ta, đem lại doanh thu bạc tỷ mà không đòi hỏi người nông dân phải tốn công chăm sóc như nghề nuôi ong truyền thống, đó là ong dú.

Nghề lạ ở Việt Nam: Bỏ việc ngân hàng về nuôi loài không cần cho ăn, không phải chăm sóc nhiều vẫn lãi to - 1

Nuôi ong dú không đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc nhiều, không cần tốn chi phí cho ăn.

Ong dú đã xuất hiện khá lâu đời nhưng hình thức nuôi còn rất thô sơ, hiệu quả kém, dựa vào kinh nghiệm cá nhân là chủ yếu và chưa lan tỏa được giá trị đến với cộng đồng. Năm 2021, mô hình nuôi ong dú của anh Nguyễn Hữu Trực (29 tuổi, Bảo An, Phan Rang-Tháp Chàm) đã xuất sắc giành giải nhất tại Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Thanh niên Ninh Thuận lần thứ V", mở ra hướng đi mới cho người nông dân nuôi ong tại Việt nam. 

Nghề lạ ở Việt Nam: Bỏ việc ngân hàng về nuôi loài không cần cho ăn, không phải chăm sóc nhiều vẫn lãi to - 2Anh Trực khởi nghiệp thành công ngay từ lần đầu với mô hình nuôi ong dú hiệu quả.

Từng bén duyên với nghề nuôi ong mật nhưng không đem lại mấy hiệu quả, anh Trực bỗng “hốt bạc tỷ” khi biết đến ong dú. Loài ong này có kích thước nhỏ hơn ong mật, đặc biệt không có ngòi đốt, không bỏ tổ đi nơi khác, không chiếm nhiều diện tích nuôi.

Nhận thấy đây là loại ong khác với những loại ong nuôi lấy mật đang bán phổ biến trên thị trường, có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm thương mại, anh Trực đã quyết định nghỉ hẳn công việc chính đang làm tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn để dồn hết tâm sức nuôi ong dú, một loại ong rừng tự nhiên, tự sinh trưởng và làm mật. Được biết, trại ong dú của anh đang sở hữu 700 đàn ong, mỗi tháng anh dành ra 6 ngày để chăm sóc. 

Theo anh Trực, từ khi ong dú chúa đẻ trứng đến khi phát triển thành ong trưởng thành khoảng 50 ngày. Mỗi tổ ong 1 tháng có thể nhân đàn một lần, sau khi chia đàn, người nuôi phải tiến hành tạo ong chúa mới. Sau khi ong chúa đã đẻ, tổ ong phát triển rất nhanh nếu gặp thời tiết thuận lợi, và đàn ong cho mật sau 4-6 tháng. Với mỗi lít mật ong thành phẩm, anh bán ra thị trường với giá 2 triệu đồng. Ngoài ra, anh Trực còn bán giống cho những người có ý định nuôi để làm cảnh hay phong thủy. Vào năm 2021, trừ đi các loại chi phí, gia đình anh Trực lãi hơn 500 triệu đồng. 

Trừ đi các loại chi phí, năm 2021 anh Trực thu lãi hơn nửa tỷ từ đàn ong.

Một đàn ong dú nhà anh Trực mỗi năm cho thu hoạch mật hai lần với khoảng 2 lít mật. Đặc tính của loài này là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật là tự nhiên và nguyên chất. Mật ong dú vị ngọt, thanh và hơi chua, hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong khác nên được nhiều người tìm mua. Loại mật này có nhiều tác dụng về mặt dược tính, mỹ phẩm hơn so với các loại mật ong khác; giúp giảm đau, sát trùng vết thương, giải độc... Sáp và mật được sử dụng để dưỡng da, tẩy tế bào chết.

Bán mật ong dú rừng với giá 1,8-2 triệu đồng/lít, chị Phạm Minh, trú tại Gia Lai cho biết, mật ong rú rừng tự nhiên rất hiếm. Để có mật bán, chị phải đặt nhóm thợ rừng đi kiếm và khách cũng phải chờ rất lâu mới đến lượt. "Khác với các loại mật ong thông thường, mật ong dú có vị rất đặc trưng, ngọt thanh pha chút chua nhẹ nên được nhiều người ưa thích. Tôi dự tính thời gian tới sẽ đi tìm thêm nguồn cung từ các hộ nông dân nuôi trồng tại gia để đáp ứng thêm nhu cầu của khách hàng", chị Minh nói.

Cũng là người nuôi ong dú nhiều năm nay, anh Lê Văn Việt (ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) hiện nay đang sở hữu hơn 800 tổ. Nhận thấy loài ong này đem lại lợi nhuận kinh tế cao, dễ chăm, dễ nuôi, anh Việt đã theo đuổi nghề này được hơn 6 năm nay. Các tổ ong dú được nuôi rải rác dưới các vườn cây ăn trái, vườn hoa cỏ dại của gia đình anh và gửi ở vườn hàng xóm trên tổng diện tích khoảng 15 ha. 

"Không giống với việc nuôi bất cứ loài thú nuôi hay loài ong khác, ong dú không đòi hỏi bạn phải quan tâm, chăm sóc chúng liên tục và tốn nhiều thời gian. Thời điểm chúng cần được chăm sóc nhất chính là khi mới bắt đầu thuần hóa hoặc tách đàn.Ong dú rất khỏe, sức chống chịu bệnh cao và khả năng tìm kiếm thức ăn nhanh nhạy nên bạn không cần quá lo lắng", anh Việt nói.

Theo anh Việt, các tổ ong dú lượng mật thu được dao động từ 100ml – 1.500ml tùy điều kiện thời tiết, khí hậu và mùa vụ. Công việc chăm sóc và lấy mật cũng đơn giản không phải mất nhiều công sức. Với gần 800 tổ, lượng mật ong dú anh Việt thu được khoảng 200 lít/năm. Giá bán theo thị trường hiện tại khoảng 1-1.6 triệu đồng/lít. Mật ong dú có chất lượng, màu sắc riêng, khác với mật ong nuôi du mục.

Nguồn: https://eva.vn/tin-tuc/nghe-la-o-viet-nam-bo-viec-ngan-hang-ve-nuoi-loai-khong-can-cho-an-khong-phai-cham-soc-nhieu-van-lai-to-c73a583338.html?gidzl=V1a3F2Ng1pHp1m8-BF40C78313upymamQrCCFc7o3JOy15qzPFCDD3DKM6Xlf0WpP08FQpXlmpGz8ka5Cm

Liên kết