Ngày 22/02/2023 tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt NAM (VAAS), Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở 05 quy trình kỹ thuật về lúa cẩm, đậu tương đen và lạc đen thuộc Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh tại Hưng Yên “Nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển một số giống cây trồng thảo dược (lúa cẩm, đậu tương đen và lạc đen) theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hưng Yên do ThS. Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu cơ sở gồm 05 thành viên: TS. Phạm Văn Dân - GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Thế Yên - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Ủy viên phản biện 1; ThS. Nguyễn Xuân Thu - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ, Phản biện 2; Các ủy viên TS. Tạ Hồng Lĩnh - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và ThS. Nguyễn Văn Trung - Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông.
Dự hội nghị Đoàn cán bộ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên do ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn cùng Lãnh đạo phòng Quản lý Khoa học và Lãnh đạo trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN.
Đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo kết quả thực hiện các công thức thí nghiệm, các mô hình trình diễn thực tiễn tại các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi đối với lúa Thảo cẩm 9, lúa ĐH9; đậu tương đen S20 và DT2008ĐB; lạc đen CNC1. Đây là các giống chất lượng phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của Hưng Yên. Trên cơ sở tập đoàn các giống thảo dược như lúa cẩm, lạc đen, đậu tương đen được khảo nghiệm trình diễn đã lựa chọn được các giống phù hợp với Hưng Yên đề nghị bổ sung cơ cấu mùa vụ và tiến hành nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật, quy trình canh tác cho từng giống phù hợp với điều kiện sản xuất tại Hưng Yên.
Đánh giá kết quả thực hiện và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, các thành viên Hội đồng đã đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, đặc biệt đã lựa chọn đối tượng phù hợp để nghiên cứu; thực hiện nghiêm túc phương pháp thí nghiệm đồng ruộng; số liệu đáng tin cậy và logic, kết quả có tính mới có tính ứng dụng,… Bên cạnh đó các thành viên Hội đồng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và chuẩn hóa các tên gọi cũng như chuyển đổi lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống theo đơn vị diện tích theo sào bắc bộ để người dân Hưng Yên dễ áp dụng.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ThS. Trần Tùng Chuẩn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao khả năng nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm và kết quả của nhóm nghiên cứu. Kết quả bước đầu đã được đánh giá thông qua các hội nghị đầu bờ, hội nghị đánh giá kết quả của địa phương. Sản phẩm của các giống đảm bảo năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh hại cũng như cho thấy được sự phù hợp với yêu cầu sinh thái, thổ nhưỡng của Hưng Yên.
ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đề nghị các thành viên Hội đồng nghiêm túc đánh giá thực chất kết quả hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn. Bên cạnh đó đồng chí Chuẩn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, biên soạn quy trình theo đặt hàng giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, đồng thời biên soạn quy trình kỹ thuật gắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng để người dân Hưng Yên dễ áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất các giống lúa cẩm, lạ đen và đậu tương đen hiệu quả tại Hưng Yên./.
Giang Đức Quỳnh – Trường Long.