Nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích cây đa và đền La Tiến ph

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 là chuỗi những hoạt động để chúng ta nhớ đến cội nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ trên khắp cả nước. Sáng nay, 29/6/2022 , tại Hưng Yên, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đánh giá kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích cây đa và đền La Tiến phục vụ hoạt động quản lý di tích lịch sử cách mạng tỉnh Hưng Yên” (đây là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 4007/QĐ - BVHTTDL, ngày 18/11/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) do Viện Quốc tế Pháp ngữ chủ trì thực hiện từ tháng 5/2020-3/2022.

Nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích cây đa và đền La Tiến phục vụ hoạt động quản lý di tích lịch sử cách mạng tỉnh Hưng Yên”

Dự và chủ trì Hội nghị nghiệm thu có ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài; ông Đào Mạnh Huân - Phó Giám đốc điều hành Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch - Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Sử học - Phản biện 1; TS. Nguyễn Văn Hậu - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên - Phản biện 2; Các thành viên TS. Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Quách Ngọc Dũng - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên; ThS. Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ; CN. Đào Thị Hoàng Oanh - Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và CN. Nguyễn Đình Vương – Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên.

Như chúng ta thấy, Cây đa và Đền La Tiến toạ lạc tại thôn La Tiến, xã Nguyên Hoà, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, bên dòng sông Luộc cuộn chảy và bến phà La Tiến nối giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Nơi đây xưa kia, thực dân Pháp đã cho xây một bốt khét tiếng tàn ác, nằm án ngữ phía Nam tỉnh Hưng Yên. Tại đây đã diễn ra các cuộc tra tấn, xét hỏi cực hình dã man đối với các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Cây đa và đền La Tiến là nơi khắc ghi tội ác của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước. Nơi đây chúng đã dùng mọi cực hình tra tấn man rợ như treo người lên cây đa cắt tiết, mổ bụng, moi gan, dùng kìm nhổ móng tay, chặt tay, chặt chân làm đau đớn đến tột cùng rồi mới giết và thả xác trôi sông. Nhiều chiến sỹ cách mạng, nữ du kích Hoàng ngân, bộ đội địa phương, người dân bị chúng giết hại dã man. Trong thời gian chiếm đóng tại đây, thực dân Pháp đã giết hại 1145 đồng chí, chiến sĩ cách mạng, đồng bào ta trong đó chỉ nguyên xã Nguyên Hòa (nơi có cây đa La Tiến) có 121 người bị giết hại. Tính bình quân mỗi năm chúng giết trên 300 người. Tính cả vùng Tiên Lữ, Phù Cừ (Hưng Yên), Thanh Miện (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình) thì chúng giết trên 4000 người. Trong đó có hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ. Chừng ấy năm, chúng giết trên 4000 người, mà cái bốt La Tiến có hơn một trăm tên lính cả ngụy lẫn Pháp. Vậy là mỗi tên đao phủ trong bốt này giết tới 40 mạng người!. Trong số hơn một nghìn người bị giết hại đó  tiêu biểu có nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Khang (tức Vũ Thị Kính) quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào. Chị là em gái của đồng chí Trần Phương- nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lúc bấy giờ, chị là huyện uỷ viên, bí thư phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ, chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân.

    

Do đó, việc nghiên cứu biên soạn lịch sử và số hóa di tích lịch sử cây đa và đền La Tiến là cần thiết để phục vụ các hoạt động quản lý di tích lịch sử cách mạng, bảo tồn, phát huy và quảng bá du lịch cũng như phục vụ học tập, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của cho người dân Hưng Yên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

   

Báo cáo tại hội nghị nghiệm thu, TS. Ngô Tự Lập - Viện Quốc tế Pháp ngữ, Chủ nhiệm đề tài cho biết nhóm tác giả đã tập trung vào nghiên cứu, biên soạn tài liệu về di tích lịch sử cây đa và đền La Tiến dựa trên các nguồn sử liệu, các nhân chứng trong và ngoài nước để biên soạn.

     

Bên cạnh đó nhóm tác giả đã đánh giá nhu cầu, thị hiếu và xây dựng kịch bản chuyến thăm quan ảo; lựa chọn các vật chứng lịch sử gắn với di tích để ứng dụng công nghệ thông tin vào số hóa lịch sử di tích cây đa và đền La Tiến với từng nội dung cụ thể trên lời bình của ba thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp trên nền thăm quan ảo 3600.

   

Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã xây dựng trang website với tên miền http://caydalatien.hungyen.gov.vn để ứng dụng quảng bá số hóa về cây đa và đền La Tiến theo chuyến thăm quan ảo trên nền 3600.

  

Hội nghị đã nghe 12 ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, các đại biểu các ngành, huyện Phù Cừ, xã Nguyên Hòa. Các ý kiến đều đánh giá cao sự công phu nghiên cứu của đề tài, đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng cơ sở dữ liệu về di tích, văn hóa, đồng thời tăng cường quảng bá di tích lịch sử cũng như truyền thống yên nước, lòng tự hào dân tộc của Hưng Yên và Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá nghiệm thu, ThS. Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng và các đại biểu trong nghiên cứu, ý kiến để cơ quan quản lý và nhóm tác giả hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình. ThS. Nguyễn Xuân Hải cũng đánh giá cao sự công phu và hăng say nghiên cứu cũng như sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại vào sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn được lịch sử cây đa, đền La Tiến, trên cơ sở đó đã số hóa thành phim ảnh trên nền 3600 tạo thành những chuyến thăm quan ảo như đã từng đến với cây đa và đền La Tiến thật. Qua đó đã hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu về di lích lịch sử cây đa, đền La Tiến để các cơ quan nghiên cứu, giáo dục, quản lý nghiên cứu, tham khảo vào quy hoạch, giảng dạy,… bên cạch đó đề xuất được các tuyến du lịch để phát triển văn hóa tại Hưng Yên góp phần tăng cường quảng bá danh lam thắng cảnh cũng như phát huy được tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của Hưng Yên nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Trường Long

 

Liên kết