Nghiệm thu dự án: Tạo lập và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” dùng cho các sản phẩm nghề

Ngày 30/6/2022 tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã tiến hành đánh giá, nghiệm thu dự án: Tạo lập và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” dùng cho các sản phẩm nghề mộc của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ chủ trì thực hiện năm 2020-2022

 

Dự và chủ trì Hội nghị có ThS. Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; TS. Nguyễn Hữu Cần – Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Phó Chủ tịch Hội đồng; ThS. Nguyễn Hương Trang – Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), Phản biện 1; ThS. Hoàng Lan Phương – Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Các ông bà ủy viên Hội đồng gồm TS. Ngô Hùng mạnh – Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Hưng Yên; ThS. Lê Văn Thắng – Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn); Th.S Nguyễn Quang Văn – Chuyên viên phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Hưng Yên; ThS. Nguyễn Phan Phú – Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Yên Mỹ Hưng Yên và CN. Nguyễn Đình Vương – Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ.

Về dự còn có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; UBND huyện Yên Mỹ; Lãnh đạo UBND xã Thanh Long và đại diện một số doanh nghiệp, chủ hộ nghề mộc Thụy Lân (xã Thanh Long, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

TS. Hoàng Hà – Chủ nhiệm dự án đã báo cáo tại hội nghị, nghề mộ Thụy Lân thuộ thôn Thụy Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Hiện thôn có hơn 200/340 hộ gia đình tham gia làm nghề mộc, trung bình mỗi gia đình có 1-2 lao động trực tiếp làm nghề mộc, có gia đình 3-4 lao động làm nghề mộc. Thu nhập trung bình của người thợ đạt từ 3-4 triệu đồng/tháng, thợ có tay nghề cao thu nhập tới 5 - 7 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn hàng trăm lao động gián tiếp khác trong các khâu dịch vụ cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông phân phối sản phẩm đầu ra. Nét mới trong nghề sản xuất đồ mộc ở đây là, các chủ thợ sử dụng lao động có sự phân công chuyên hóa từng công đoạn sản xuất, từng chi tiết sản phẩm, trên cơ sở tay nghề, sức khỏe, sở trường và thời gian đáp ứng của từng lao động. Trong cùng một loại sản phẩm, nhưng mỗi người thợ hoặc nhóm thợ chỉ sản xuất một chi tiết hoặc một nhóm chi tiết sản phẩm, vì vậy đòi hỏi những người thợ phải phối hợp với nhau, nhịp nhàng, chính xác để các chi tiết sản phẩm sau khi lắp ghép bảo đảm ăn khớp, chắc chắn, hài hòa, bảo đảm các yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật của đơn đặt hàng hàng. Nhờ có sự chuyên môn hóa cao nên những người thợ của làng Thụy Lân đã phát huy được năng lực sở trường, tranh thủ thời gian làm tăng giờ hoặc nhận việc về nhà làm, năng suất lao động tăng cao, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người thợ.

    

Các sản phẩm của làng nghề khá phong phú từ tủ tường, tủ thờ, tủ chùa, tủ rượu, salon Âu Á, sập trúc, sập thập điều, các loại giường và các loại tranh tứ quí, tượng Di lặc, Thánh gióng, Quan Công. Bằng nhiều chất liệu gỗ tự nhiên khác nhau: Chò chỉ, gụ, cẩm lai, giáng hương, khách hàng đặt hàng kiểu gì các cơ sở trong làng nghề đều có thể đáp ứng được. Mỗi sản phẩm đồ mộc nói riêng vừa là vật dụng hàng ngày, vừa là đồ trang trí trong gia đình, có thể gắn bó với gia chủ suốt cuộc đời hoặc nhiều đời như món đồ kỷ niệm hoặc thứ gia truyền vô giá, nên sản phẩm làm ra không chỉ cần bảo đảm độ bền, tuổi thọ cao mà còn đòi hỏi có tính thẩm mỹ cao và hàm chứa một ý nghĩa nhân văn cao.

   

 

Dự án: Tạo lập và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” dùng cho các sản phẩm nghề mộc của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được thực hiện với mục tiêu nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm mộc của địa phương, tăng đóng góp vào ngân sách địa phương góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của huyện Yên Mỹ nói riêng và của tỉnh Hưng Yên nói chung. Do đó, Dự án đã tập trung vào xây thực hiện tốt các nội dung: Xác định các tiêu chí cần đạt được của sản phẩm nghề mộc mang nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân”, từ đó tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm mộc của huyện Yên Mỹ. Thiết lập các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” huyện Yên Mỹ. Xây dựng và vận hành mô hình tổ chức quản lý hệ thống nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” trên thực tế.

    

Dự án đã tiến hành điều tra, xây dựng bộ tiêu chí cho sản phẩm “Mộc Thụy Lân” huyện Yên Mỹ như nguồn gốc, tiêu chí kỹ thuật, tiêu chí chất lượng,… xây dựng các quy chế về sử dụng quyền, kiểm soát chất lượng, sổ tay, logo,… trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho “Mộc Đại Tập”.

  

Kết quả ngày 08/2/2022 đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 8649/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 410651 cho chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân xã Thanh Long, Huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngày 28.4/2022, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ (Hà Nội) phối hợp với UBND xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ tổ chức công bố Giấy Chứng nhận. Tại buổi công bố Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” dùng cho các sản phẩm nghề mộc của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. 

   

Phát biểu tại hội nghị, các thành viên Hội đồng và các đại biểu đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và kết quả thực hiện của đơn vị, các thành viên ban chủ nhiệm dự án trong thực hiện đầy đủ các nội dung, đảm bảo mục tiêu dự án đề ra.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ThS. Nguyễn Xuân Hải đánh giá cao về kết quả thực hiện dự án và tinh thần trách nhiệm của Ban chủ nhiệm, nhất là dự án dược thực hiện đúng vào thời cao điểm của đại dịch Covid -19 diễn ra. Kết quả đã xây dựng được bộ tiêu chí cho sản phẩm Mộc Thụy Lân, các quy chế về sản xuất, sử dụng quyền nhãn hiệu, các quy chế về quản lý, kiểm soát, sổ tay hướng dẫn và đã hoàn thiện hồ sơ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể cho “Mộc Thụy Lân”, trên cơ sở đó đã tiến hành hội nghị công bố nhãn hiệu để tăng cường công tác quảng bá, phát triển thương hiệu của làng nghề.

ThS. Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị đơn vị tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng hợp và phối hợp với địa phương trong việc tiếp tục quảng bá, phát triển thương hiệu cho sản phẩm “Mộc Thụy Lân” của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới.

Trường Long

Liên kết