Nghiên cứu khoa học: Đau đầu với bài toán 'đầu tiên'

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tích cực đổi mới, tìm tòi hơn nữa trong hoạt động, nhất là khâu tìm nguồn ngân sách hỗ trợ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh đang sống trong cảnh 'sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online'. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh đang sống trong cảnh "sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online". Ảnh: Bá Thắng.

Đan xen thời cơ, thách thức

Tại Hội thảo Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu nhiều điều mà ông cho là "trái ngược" về khoa học công nghệ.

Một mặt, khoa học công nghệ giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Trong 10 năm qua, 529 giống mới (trong đó, 393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi) được công nhận. Nhờ đó, năng suất lúa liên tục tăng. Năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, 3 lần so với Colombia và Indonesia.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dòng lợn nái có số con cai sữa đạt 28 con/nái/năm. Tỷ lệ nuôi sống gà tăng từ 50-60% trước đây lên 90-95%. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các giống keo và bạch đàn có năng suất trung bình đạt từ 25-40 m3/ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng hơn 2,5 lần, từ 8 triệu m3 năm 2013 lên, 19,7 triệu m3 năm 2022.

Việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...) ngày càng được phổ biến nhân rộng và hiệu quả mang lại là sản xuất ra được các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

Các kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, xuống giống “tập trung né rầy”, giảm lượng giống gieo sạ, bón phân theo chuyên vùng, tưới nước tiết kiệm…

Sự phát triển của các nghiên cứu khoa học giúp ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành lập kỷ lục 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

Hội thảo sáng 20/5 nhằm hưởng ứng ngày Khoa học công nghệ quốc gia 18/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội thảo sáng 20/5 nhằm hưởng ứng ngày Khoa học công nghệ quốc gia 18/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Trăn trở bài toán "đầu tiên"

Tuy nhiên, những người đang trực tiếp làm khoa học công nghệ lại đang chịu không ít khó khăn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tâm sự, rằng khoảng vài chục năm trước, sinh viên ra trường vào làm trong các viện nghiên cứu là "danh giá". Nhưng hiện tại, nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh đang sống trong cảnh "sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online".

Một phần nguyên nhân, theo các viện nghiên cứu, là số lượng nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học được Bộ NN-PTNT giao có xu hướng giảm. Ngoài ra, sự phát triển của khối tư nhân, doanh nghiệp cũng thu hút một phần "chất xám" của các cơ sở đào tạo.

Thống kê của Học viện Nông nghiệp Việt Nam củng cố quan điểm này. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo có xu hướng giảm. Con số này là 4,62% vào năm 2020, nhưng đến năm 2022 còn 4,08%.

Trong lĩnh vực khuyến nông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh thừa nhận, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trước đây giờ cần đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Ông kiến nghị Bộ NN-PTNT đặt hàng những tiến bộ kỹ thuật ưu tiên, phù hợp với định hướng của Bộ đối với Viện, trường, địa phương để triển khai các dự án khuyến nông theo mục tiêu chung của ngành. Đồng thời, gắn các hoạt động chuyển giao này với tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.

Sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Ảnh: Bảo Thắng.

Sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Ảnh: Bảo Thắng.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tổng kết, rằng vấn đề chính với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện nằm ở bài toán "đầu tiên" (tiền đâu).

Là lãnh đạo trực tiếp quản lý hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng cho rằng giờ không phải là lúc "trông chờ vào Bộ" để triển khai các nhiệm vụ khoa học. Thay vào đó, cơ sở đào tạo cần chủ động hợp tác quốc tế, liên kết với doanh nghiệp, hoặc phối hợp theo ngành dọc giữa khối viện và trường.

Một gợi ý được Thứ trưởng đưa ra, là hiện ngân sách dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của các địa phương khá lớn. Tuy nhiên, nhiều nơi mới dùng khoảng 0,5-0,6% tổng chi ngân sách.

"Theo Quyết định 569/QĐ-TTg của Thủ tướng, mức chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm từ 2% trở lên trong tổng ngân sách. Dư địa, vì thế, còn rất nhiều. Vấn đề là chúng ta có chủ động nắm lấy hay vẫn trông chờ, ỷ lại", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Hữu Ninh đề nghị sớm rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định quản lý nội bộ, nhất là với 3 Viện xếp hạng đặc biệt của Bộ NN-PTNT, nhằm tiến tới quản lý điều hành thống nhất, minh bạch, hiệu quả, khắc phục thủ tục, giấy tờ, các khâu trung gian.

Ông cho rằng việc trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ mới là một cách để huy động thêm tiềm lực cho khoa học công nghệ.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-dau-dau-voi-bai-toan-dau-tien-d386678.html 

Liên kết