Theo PGS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm, các nhà nghiên cứu sẽ cống hiến hơn cho khoa học nếu được hướng dẫn về pháp lý trong chuyển giao bản quyền giống lúa.
PGS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm mong muốn các nhà quản lý tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý để khuyến khích các nhà khoa học trẻ cống hiến cho nước nhà. Ảnh: Thanh Thủy.
PGS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm là nhà khoa học nữ tiên phong về nghiên cứu lúa gạo với hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề. Với lòng say mê nghiên cứu, sớm tiếp cận khoa học công nghệ lai tạo giống, bà được biết đến là người chuyển giao bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam.
Tại tọa đàm Hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chọn tạo và thương mại giống lúa do Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 31/5 tại Thái Bình, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã chia sẻ mong muốn tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý để khuyến khích các nhà khoa học trẻ cống hiến cho nước nhà.
“Trong quá khứ, khi mới bắt đầu làm nghiên cứu từ năm 1990, tôi đã hoàn toàn dành thời gian cho công việc và được Nhà nước trả lương. Qua nhiều năm, các sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi phục vụ cho cộng đồng mà không quan tâm đến vấn đề bản quyền”, bà Trâm bộc bạch.
Khi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - nơi PGS.TS Nguyễn Thị Trâm công tác đã bắt đầu đăng ký bản quyền cho các giống lúa của mình và dễ dàng chuyển giao các giống cho doanh nghiệp.
Theo bà Trâm, trước đây, nhà khoa học chỉ cần trình diễn giống lúa, sau đó các doanh nghiệp sẽ tự quyết định giá và mua giống mà không cần đến quá trình định giá cụ thể. Do đó, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ diễn ra một cách thuận lợi chỉ qua một hợp đồng đơn giản.
Nhà khoa học cho rằng: “Việc này đã làm cho nhà khoa học cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần và luôn tập trung vào mục tiêu tạo ra những giống lúa tốt nhất cho đất nước, thay vì chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền trong tương lai. Chúng tôi toàn tâm, toàn ý suy nghĩ làm thế nào để cung cấp các giống lúa phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng khu vực, có thể là giống năng suất cao, giống chất lượng cao, hoặc phù hợp với từng điều kiện địa lý và khí hậu”.
Điển hình, giống lúa lai TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Cường Tân. Tại thời điểm được công bố, giống lúa lai TH3-3 rất phù hợp với nông dân vì được sản xuất hoàn toàn trong nước, lại có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây và không cao nên ít bị ngã đổ do gió bão. Điều này đã tạo ra một sự cạnh tranh mạnh mẽ với các giống lúa lai nhập khẩu.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nhấn mạnh, đối với các nhà khoa học, tiền bản quyền không quan trọng bằng tổng lợi ích cho xã hội.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đội ngũ các nhà khoa học trẻ ở Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng gặp phải nhiều khó khăn. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho biết, Viện gặp khó khăn trong việc định giá tài sản của mình và không thể tổ chức đấu giá một cách hiệu quả, dù một số giống lúa của Viện đã được công nhận và được doanh nghiệp đăng ký mua bản quyền.
Theo đó, các doanh nghiệp chỉ sử dụng quyền sản xuất và kinh doanh giống mà không thúc đẩy tốc độ sản xuất giống lúa. “So với quá trình trước đây, khi chúng tôi chuyển giao trực tiếp bản quyền và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học sớm được đưa vào sản xuất, hiệu quả cao hơn rất nhiều”, nhà khoa học đánh giá.
Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng là tổ chức tự do nghiên cứu đã sản xuất và chuyển giao nhiều giống lúa thành công từ năm 1999. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Viện gặp phải tình trạng bế tắc, không có khả năng chuyển nhượng công nghệ nào mới cho doanh nghiệp do vướng các quy định như định giá, đấu thầu... trong Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Thực tế này đã làm giảm sự đam mê và niềm tin trong công việc nghiên cứu giống cây trồng của đội ngũ nhà khoa học. Số lượng nhà khoa học trong Viện đã giảm từ 35 xuống còn 20. Nhiều người đã rời bỏ vì không còn được khích lệ, không thấy có triển vọng trong công việc nữa.
Theo bà Trâm, đây là một hạn chế lớn và việc đào tạo cán bộ giỏi trở nên vô cùng khó khăn. Hiện tại, các nhà khoa học chưa biết cách giải quyết vấn đề này như thế nào. Bà khẳng định, lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp vốn đã rất khó khăn, nếu quy chế quản lý trở nên quá chặt chẽ sẽ làm trở ngại cho quá trình sản xuất.
Qua tọa đàm về hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tin rằng, nếu lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT có thể giải quyết các vấn đề liên quan, cung cấp hướng dẫn cụ thể về pháp lý và quy trình chuyển giao bản quyền cho các giống lúa thì các nhà khoa học trẻ sẽ được khuyến khích hơn trong việc nghiên cứu.
Đối với các nhà khoa học, tiền bản quyền không quan trọng bằng tổng lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, kiểm toán những năm gần đây được thực hiện nghiêm ngặt theo các điều luật và văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa.
PGS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm nhấn mạnh: “Cần phải hiểu rằng, khi tạo ra một giống mới, lợi ích lớn nhất đến từ sản xuất của nông dân, còn lợi nhuận cho nhà khoa học chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, Nhà nước lại quá quan tâm đến phần trăm đó của nhà khoa học mà không nhận ra giá trị to lớn của khoa học phục vụ cho sản xuất”.
Nguồn:https://nongnghiep.vn/