Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khá phức tạp, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm số lượng lớn. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) là một trong những giải pháp hữu hiệu, không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc nhân rộng các cơ sở chăn nuôi ATDB trong tỉnh còn gặp không ít khó khăn.
|
Mô hình cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ảnh minh hoạ |
Theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở ATDB động vật, để được cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB, cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu: Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; không xảy ra dịch bệnh; có kế hoạch và thực hiện việc giám sát dịch bệnh… Sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn tất các hồ sơ liên quan, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Nguyễn Thị May, xã Đại Đồng (Văn Lâm) nuôi trên 1 nghìn con lợn các loại. Trang trại được xây dựng xa khu dân cư, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín với một số thiết bị phục vụ chăn nuôi như: Hệ thống uống tự động, máng ăn bán tự động, quạt thông gió… Chia sẻ về lý do chưa xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, bà May cho biết: Mặc dù trang trại đáp ứng đầy đủ các điều kiện chăn nuôi nhưng do quy mô chăn nuôi còn hạn chế, trong khi chi phí xét nghiệm nước, lệ phí cấp giấy chứng nhận ATDB, xét nghiệm bệnh cao… nên gia đình chưa làm các thủ tục cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi ATDB. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ của trang trại chủ yếu là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thương lái ở trong và ngoài tỉnh nên không yêu cầu cao về các chỉ tiêu xét nghiệm bắt buộc trên đàn vật nuôi, chỉ cần vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đủ cân nặng là có thể xuất bán.
Gia đình anh Chu Đình Thiên, xã Đồng Than (Yên Mỹ) nuôi trên 1 nghìn con gà Đông Tảo, Đông Tảo lai với hình thức khép kín. Anh Thiên cho biết: Hiện tại, gia đình tôi đang chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, phòng bệnh. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là liên kết với một số hợp tác xã chăn nuôi, xuất bán cho các đầu mối quen nên gia đình chưa nghĩ đến việc đăng ký cấp chứng nhận cơ sở ATDB vì tăng chi phí sản xuất, trong khi giá gia cầm xuất bán không tăng.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá ổn định với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 9,8 triệu con. Toàn tỉnh có 586 trang trại chăn nuôi, tuy nhiên đến nay, mới chỉ xây dựng được 7 cơ sở chăn nuôi ATDB với một số bệnh như: Cúm gia cầm, Newcastle, lở mồm long móng, dịch tả lợn, giảm 2 cơ sở so với năm 2022. Một số trang trại sau khi hết thời hạn chứng nhận cơ sở chăn nuôi ATDB không thực hiện thủ tục công nhận lại. Nguyên nhân khiến việc nhân rộng cơ sở chăn nuôi ATDB trong tỉnh còn gặp khó khăn do: Quy mô, hình thức chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán nên việc lựa chọn, triển khai xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn ATDB gặp khó khăn; tiêm phòng trên đàn vật nuôi tại nhiều hộ chăn nuôi chưa được chú trọng; các trang trại, gia trại quy mô nhỏ chưa quan tâm xây dựng cơ sở ATDB do giá thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở ATDB chưa có sự khác biệt tương xứng so với các sản phẩm từ cơ sở chăn nuôi truyền thống…
Để khắc phục các khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, hướng dẫn các cơ sở đủ điều kiện lập hồ sơ đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đạt ATDB đối với bệnh đăng ký; phát triển mới từ 3 đến 5 cơ sở chăn nuôi ATDB/năm… Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền cho các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh về lợi ích của xây dựng cơ sở ATDB, khuyến khích các cơ sở đăng ký xây dựng cơ sở ATDB thông qua việc thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ năm đầu về kinh phí thẩm định và chi phí xét nghiệm mẫu để xây dựng cơ sở ATDB, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bệnh cấp huyện để duy trì thực hiện lấy mẫu giám sát hằng năm đối với các xã, phường, thị trấn xây dựng vùng, cơ sở ATDB. Cùng với đó, các cơ sở chăn nuôi cần phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường.
Nguồn: https://baohungyen.vn/kinh-te/202304/nhieu-chu-trang-trai-van-tho-o-voi-xay-dung-co-so-chan-nuoi-an-toan-dich-benh-6c108c0/