Những điểm nghẽn khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp

Thực tế, đóng góp của khoa học công nghệ (KHCN) vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn hạn chế, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50% thì tại Việt Nam, con số này mới vào khoảng 30%.

Theo Bộ NN&PTNT, KHCN đóng vai trò quan trọng đối với phát triển nông nghiệp nói chung. Những ứng dụng của KHCN bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, cho đến thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch…

Hoạt động chuyển giao KHCN được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Điều này góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm (giai đoạn 2021 - 2023) đạt 3,35%/năm.

Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn. Ngày nay, các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm. Cây cà phê Việt Nam cũng có những đột phá về năng suất, khi đang cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê trên thế giới. Cây điều cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến điều của Việt Nam. Sản xuất rau và cây ăn quả trong những năm qua liên tục tăng về diện tích, năng suất và sản lượng, chủng loại đa dạng phong phú.

khcn nong nghiep

Ảnh minh hoạ

Trong chăn nuôi thú y, hiện nay, có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Không chỉ vậy, việcvaccine dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam" chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar là niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi nước nhà.

Trong lĩnh vực thuỷ sản, giai đoạn 2016 - 2023, có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận. Nhờ sự đóng góp của khoa học công nghệ, ngành thủy sản đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 4,5 - 5%.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, thời gian qua, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có 78 giống cây trồng, 35 tiến bộ kỹ thuật, 11 sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận…

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm KHCN hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm KHCN này chưa đến được nhiều với những đơn vị ứng dụng do còn thiếu thông tin. Các doanh nghiệp và HTX rất cần những sản phẩm KHCN, song chưa nắm được thông tin để tiếp cận.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, tại Việt Nam các khu công nghệ cao và các vùng công nghệ cao trong nông nghiệp dù đã được xây dựng nhưng chưa hoạt động hiệu quả và chưa thu hút được doanh nghiệp vào hoạt động, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút đượcđầu tưvà chưa có sự đổi mới công nghệ đáng kể.

Ngoài ra, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp vẫn chưa đạt được những thành tựu như mong đợi. Việc đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào thị trường đòi hỏi có mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, cần có vai trò của các doanh nghiệp rất lớn.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu của sản xuất và của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức để tăng tính thuyết phục của sản phẩm khoa học công nghệ.

Vì vậy Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cần thiết lập các cơ chế thử nghiệm và kiểm tra thực tiễn trước khi triển khai rộng rãi. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng các công nghệ mới thực sự mang lại lợi ích thiết thực.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, cần có những chính sách hỗ trợtài chính, kỹ thuật và đào tạo để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới. Đồng thời, tạo ra các kênh thông tin và truyền thông hiệu quả để chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình thành công.

Nguồn:https://doanhnghiepvn.vn/

Liên kết