Nông dân Nam Định làm giàu từ những cây trồng cũ với cách làm mới

Ở Xuân Trường (Nam Định) có không ít nghề đã gắn bó với người dân trong nhiều thập kỷ nhưng mang lại hiệu quả không cao. Chỉ đến khi bà con thay đổi cách làm, ứng dụng kỹ thuật mới, những nghề “cũ” mới bắt đầu phát huy được tiềm năng.

Từng là nông dân gắn bó với nghề trồng lúa từ lâu, nhưng ông Lê Văn Thành (60 tuổi, xã Xuân Phú) vẫn chỉ làm theo kinh nghiệm, năng suất rất thấp, phơi sấy không bảo đảm nên thóc hay bị mốc, hiệu quả kinh tế không cao.

Học nghề để đổi mới cách nghĩ, cách làm

Năm 2020, ông Thành được HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú giới thiệu học nghề trồng lúa hàng hóa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Từ đó tới nay, ông áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, chăm sóc lúa. Nhờ vậy, lúa ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng tốt hơn, nên có thể bán thóc với giá cao hơn gần 2 lần.

“Hầu hết học viên học nghề trồng lúa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như tôi đều thấy việc học nghề bổ ích. Bản thân tôi cũng áp dụng được nhiều kiến thức mới vào trồng, chăm sóc cây lúa”, ông Thành cho biết.

Theo Ban giám đốc HTX Xuân Phú, hàng năm, HTX kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp tổ chức lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 50- 60 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung vào tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân.

-5176-1688463937.jpg

Nông dân Xuân Trường nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ đổi thay cách nghĩ, cách làm.

Không chỉ nghề trồng lúa, những năm qua, công tác tác dạy nghề của xã Xuân Phú đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự vào cuộc của mô hình kinh tế hợp tác, HTX nên đã "gặt hái" được những thành công, tạo sự lan tỏa cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn.

Xã Xuân Phú có trên 11.600 khẩu, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động. Với quan điểm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản…

Sau khóa học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ các lớp đào tạo nghề, đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực tận dụng, cải tạo diện tích đất trũng để đào ao thả cá, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu hiệu quả.

Ứng dụng kỹ thuật, tăng cường liên kết

Không chỉ ở Xuân Phú, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Xuân Trường hiện cũng đang rất tích cực trong việc đổi mới sản xuất, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả của các cây trồng, vật nuôi, nghề truyền thống. Điển hình như ở xã Xuân Kiên.

Để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Xuân Kiên đã huy động mọi nguồn lực trong dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển doanh nghiệp và các HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Xã cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP và phấn đấu có 4 sản phẩm vào năm 2025. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được chú trọng đầu tư như cơ khí, chế biến nông sản, đồ gỗ; phát triển thương mại và dịch vụ…

Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ với 90% là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, chỉ còn 10% làm nông nghiệp nhưng là nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Cùng với phát triển kinh tế, xã luôn quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, quan tâm đến giáo dục và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. 

-8121-1688463937.jpg

Ngành nông nghiệp huyện Xuân Trường đang hướng đến sản xuất lớn, công nghệ cao.

Có thể thấy, việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã và đang giúp nông dân Xuân Trường nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Từ các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Các vùng nông thôn của huyện ngày nay đã “thay da, đổi thịt,” mang diện mạo mới.

Thêm chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Xuân Trường chuyển dần từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững với nhiều mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình cánh đồng lớn mang lại giá trị kinh tế cao.

Xuân Trường cũng là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công mô hình liên doanh, liên kết giữa HTX, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đến nay, toàn huyện có 15 mô hình liên kết, 5 doanh nghiệp và trên 100 cá nhân tích tụ ruộng đất để sản xuất. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác hiện đạt trên 103 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT của HND tỉnh về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX; thành lập 4 tổ hợp tác gồm nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Thành, liên kết sản xuất lúa lai tại xã Xuân Ninh, chăn nuôi trâu, bò xã Xuân Châu, liên kết sản xuất miến sạch với 41 thành viên tham gia.

Đến nay, toàn huyện có 14 tổ hợp tác với 136 thành viên tham gia, qua đó tạo sự gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Tiêu biểu như xã Xuân Thành có diện tích bãi bồi khoảng 50ha và hệ thống sông ngòi, đầm hồ thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tháng 6/2021, xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với 12 thành viên tham gia trên diện tích 6,06ha, trong đó 10/12 hộ trong tổ có nhu cầu vay vốn để đầu tư nuôi cá trắm cỏ.

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Xuân Trường dự kiến tăng cường quản lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp của các xã, thị trấn và quy hoạch vùng huyện. Vận động nông dân, HTX, doanh nghiệp tích cực tham gia tích tụ ruộng đất, góp đất, cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo ra giá trị thu nhập cao và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Đồng thời, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao; nâng tỷ lệ diện tích cây trồng áp dụng quy trình VietGAP; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như: lúa chất lượng cao, rau, cây dược liệu, hoa, cây cảnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp ở các khu quy hoạch xa khu dân cư tại các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm; các vùng nuôi thủy sản tập trung, an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mỹ Chí

Nguồn: https://vnbusiness.vn/mo-hinh/nong-dan-nam-dinh-lam-giau-tu-nhung-cay-trong-cu-voi-cach-lam-moi-1093655.html

Liên kết