Nghiên cứu khoa học là nền tảng của phát triển khoa học. Ở nước ta, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập đòi hỏi những giải pháp mang tính cách mạng, để các công trình nghiên cứu khoa học thật sự bước vào đời sống, trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ nhân dân. Chống lãng phí tiền của, công sức, chất xám trong nghiên cứu khoa học không chỉ là khẩu hiệu mà thật sự phải biến thành hành động, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Công trình nghiệm thu nhưng không được sử dụng
Mỗi năm cả nước có hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học được đăng ký tại nhiều cơ sở như trường đại học, các viện hàn lâm, các ngành, các địa phương, cùng với rất nhiều đề tài được hoàn thiện, nghiệm thu.
Tổng kết năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nghiệm thu 375/378 đề tài cấp cơ sở, 154/157 đề tài cấp Bộ. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đã công bố 2.200 công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, có bao nhiêu phần trăm các đề tài, công trình khoa học được ứng dụng trong thực tế vẫn còn là một câu hỏi lớn. Dư luận cho rằng, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được nghiệm thu rồi “cất trong ngăn kéo”.
Có bao nhiêu phần trăm các đề tài, công trình khoa học được ứng dụng trong thực tế vẫn còn là một câu hỏi lớn. Dư luận cho rằng, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được nghiệm thu rồi “cất trong ngăn kéo”.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, cần làm rõ tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị... bởi vì mỗi ngành khoa học lại có đặc thù khác nhau.
Riêng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp nhiều luận cứ có giá trị cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cung cấp những luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước, góp phần vào sự hình thành những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng; về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
“Các nghiên cứu thời gian gần đây về chính trị, pháp luật, văn hóa, xã hội, con người, môi trường, về cục diện thế giới, về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về chuyển đổi xanh… đóng góp thiết thực cho quá trình tổng kết 40 năm Đổi mới đất nước, phục vụ quá trình xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng...
Nhiều kết quả nghiên cứu đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; các kết quả nghiên cứu về lịch sử, truyền thống, khảo cổ, văn hóa, con người… giúp chuẩn bị hồ sơ công nhận di sản văn hóa, từng bước hình thành công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu địa phương, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu không phủ nhận thực tế là có một số công trình nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu không được ứng dụng trong thực tiễn.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Châu Văn Minh cũng thừa nhận, mặc dù có rất nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nổi bật nhưng Viện vẫn chưa phát huy hết thế mạnh trong công tác ứng dụng và thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học.
Gần đây nhất, tỉnh Khánh Hòa đã có kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tại Sở Khoa học và Công nghệ, cho thấy nhiều đề tài khoa học được thanh quyết toán, nghiệm thu nhưng chưa triển khai ứng dụng vào thực tiễn, một số đề tài dù đã được nghiệm thu vẫn còn tồn tại thiếu sót.
Tại phiên họp ngày 13/3 Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình, một số đại biểu thẳng thắn chỉ ra nhiều đề tài khoa học nghiệm thu xong thì cất tủ, không có giá trị áp dụng vào thực tiễn.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân khóa XVIII tỉnh Thanh Hóa, một số đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm rõ tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học kéo dài thời hạn, không thành công và những đề tài nghiệm thu nhưng hiệu quả ứng dụng thấp.
Vấn đề công trình nghiên cứu khoa học nghiệm thu rồi bỏ đấy gây lãng phí cũng từng được bàn thảo trong các kỳ họp Quốc hội, cho thấy đây là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 17/2 vừa qua, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến cho rằng, ở nước ta, sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa còn quá ít.
Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học
Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân từng cho rằng, có 3 dạng đề tài nghiên cứu dễ bị “xếp ngăn kéo” sau khi nghiệm thu, đó là nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ quá trình thương mại hóa và sự chấp nhận của xã hội, nghiên cứu dựa trên cảm tính, mong muốn của nhà khoa học, vì không bám sát yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp nên khó ứng dụng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân (Đại học Bách khoa Hà Nội), người vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 cũng nhận định, cần phân biệt 2 loại công trình nghiên cứu theo xuất phát điểm nghiên cứu, đó là công trình nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn của đời sống, doanh nghiệp và công trình nghiên cứu xuất phát từ suy nghĩ của nhà khoa học. Nhưng cho dù là nghiên cứu thuộc loại nào, khi đã có kết quả có thể ứng dụng sẽ dẫn đến nhu cầu đưa nó vào cuộc sống.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nghiên cứu khoa học bị “xếp tủ”, không đi vào thực tế đời sống. Đó là, sản phẩm nghiên cứu không bảo đảm chất lượng, việc xác định chủ đề nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu không bám sát yêu cầu thực tiễn, cơ chế chuyển giao kết quả nghiên cứu còn có nhiều vướng mắc, nhiều trường hợp nhà khoa học muốn thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhưng không có cơ chế thực hiện, nhiều kết quả nghiên cứu, nhất là trong nghiên cứu cơ bản chưa thể áp dụng được ngay.
Riêng đối với khoa học xã hội và nhân văn lại càng khó có thể ứng dụng ngay tức thì để ra sản phẩm cụ thể, có khi phải nhiều năm sau mới đánh giá được hiệu quả.
Trong nghiên cứu khoa học nhiều năm nay tồn tại một nghịch lý, là kết quả nghiên cứu của nhà khoa học ít được ứng dụng, còn doanh nghiệp thì mong muốn có công nghệ và sản phẩm mới mà không biết tìm đâu ra.
Ngoài nguyên nhân đề tài nghiên cứu không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho ngay cả các đề tài có tính khả thi trong chuyển giao để biến thành sản phẩm cũng gặp khó khăn, đó là vấn đề sở hữu đối với kết quả nghiên cứu từ hoạt động nghiên cứu được Nhà nước cấp kinh phí.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu nêu rõ: “Trước hết, hoạt động nghiên cứu phải bám sát yêu cầu thực tiễn và phải có chất lượng thì mới có thể đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.
Thứ hai, cần xử lý vấn đề sở hữu đối với kết quả nghiên cứu từ hoạt động nghiên cứu được Nhà nước cấp kinh phí. Pháp luật hiện hành quy định Nhà nước là chủ sở hữu của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, do đó việc giao kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Cần quy định tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu thì quá trình thương mại hóa mới nhanh và thuận lợi.
Thứ ba, cần có thiết chế chuyên nghiệp (doanh nghiệp) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.
Mặc dù không phải tất cả các công trình nghiên cứu khoa học đều có thể áp dụng ngay vào thực tiễn hoặc việc áp dụng vào thực tiễn không hiện diện bằng những sản phẩm cụ thể, nhưng trong điều kiện của đất nước ta hiện nay, việc ưu tiên cho các nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng ngay trong đời sống là cần thiết.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có chủ trương cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Đây là một trong những điểm quan trọng giúp tháo gỡ những khó khăn cho nhà khoa học, tạo điều kiện để người làm công tác nghiên cứu bước lại gần hơn với thực tế đời sống, tham gia vào thị trường, trực tiếp biến kết quả nghiên cứu của mình thành sản phẩm.
Chủ trương này chắc chắn sẽ trở thành động lực mạnh mẽ đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, chống lãng phí và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế đất nước
Nguồn: https://nhandan.vn/phat-huy-the-manh-cua-cac-cong-trinh-khoa-hoc-vao-thuc-te-post871851.html